Giải Thoát Thông Qua Sự Nghe Trong Bardo !
Giải Thoát Thông Qua Sự Nghe Trong Bardo!
Dường như có một vấn đề gút mắc cơ bản khi chúng ta đề cập tới chủ đề “Tử thư Tây Tạng”. Nếu đưa ra so sánh về phương diện thần thoại và những hiểu biết về người chết giữa Tử thư Tây Tạng với Tử thư Ai Cập thì chúng ta sẽ bỏ sót một điểm cơ bản đó là quy luật cơ bản của sự chết và sự sanh được tái diễn liên tục trong cuộc sống này. Do đó, chúng ta có thể coi bộ giáo huấn này như là “Sách Tái sanh của người Tây Tạng”. Bộ giáo huấn này không đặt nền tảng trên cái chết theo nghĩa đen, nó được đặt nền trên một quan niệm hoàn toàn khác biệt về cái chết. Nó là một “Quyển sách về Chân Không”. Chân Không chứa đựng cả cái chết lẫn cái sanh ; hư không tạo lập nơi để chúng ta hít thở, cư xử và hành động, nó là môi trường cơ bản cung cấp nguồn cảm hứng cho bộ sách này.
Trước khi Phật giáo du nhập vào, nền văn minh của đạo Bošn ở Tây Tạng đã có sẵn những chỉ dẫn chính xác cách ứng xử với năng lực tinh thần do người chết để lại sau đó, hay có thể nói là các dấu hiệu, thân nhiệt thi thể khi một người chết đi. Dường như cả hai – truyền thống của đạo Bošn và của người Ai Cập – chỉ dựa trên loại kinh nghiệm về cách mà các dấu hiệu của người chết biểu lộ, thay vì đề cập tới tâm thức (thần thức) của người chết. Nhưng cái tạng thức căn bản (basic principle) mà tôi đang cố diễn đạt ngay bây giờ chính là cái bản chất chao đảo, nghiêng ngã giữa sự sáng suốt và u mê hay giữa giác ngộ và mê lầm, cùng với các khả năng xảy ra đối với đủ loại khám phá các ảnh hiện ra trên đường dẫn tới sự sáng suốt hay sự u mê.
“Bardo” có nghĩa là khe hở ; nó không chỉ là khoảng thời gian gián đoạn sau khi chúng ta chết, nhưng nó cũng còn là các “kẽ hở” trong cuộc sống bình thường này ; nên có nói cái chết xảy ra ngay trong đời sống hàng ngày này nữa. Kinh nghiệm về bardo là một phần của cơ sở tâm lý căn bản của chúng ta. Có đủ loại kinh nghiệm bardo đang xảy ra cho chúng ta bất cứ lúc nào, các kinh nghiệm về sự hoang tưởng và sự chao đảo thất thường trong cuộc sống hàng ngày như là cảm thấy không an toàn, như không biết mình đã muốn cái gì, như không biết ta đang đi tới đâu. Cho nên, tập luận này không chỉ là thông điệp cho những ai sắp sửa chết hay đã chết rồi, nhưng cũng còn là thông điệp cho người đã sanh ra và đang sống. Mọi người chúng ta đều kinh qua sự chết và sự sanh một cách liên tục, ngay trong khoảnh khắc này.
Kinh nghiệm về bardo có thể được thấy ở dạng sáu cõi giới mà chúng ta trải qua tức là sáu cõi của trạng thái tâm lý của chúng ta. Rồi thì kinh nghiệm ấy có thể được thấy ở dạng các deities (hóa thân của chư Phật và Bồ tát) khác nhau ập đến chúng ta như được mô tả trong tập luận này. Trong tuần lễ đầu có các thần an tịnh (peaceful deities) trong tuần lễ cuối đến phiên các thần xung nộ (wrathful deities) ; có năm Như Lai và các Herukas, các gauris (chư thiên) – đó là các sứ giả của năm Như Lai – tự biến hóa hiện diện ở trong đủ loại hình dáng ngoại diện trông rất ghê sợ kinh hãi. Các chi tiết mô tả ở trong bộ giáo huấn này là những gì xảy ra rất thực, rất nhiều trong hoàn cảnh cuộc sống hàng ngày của chúng ta chứ không phải chỉ là những kinh nghiệm hoàn toàn ảo tưởng hay như các ảnh hiện được nhận ra trong trung ấm. Những kinh nghiệm này có thể đích thị thấy được ở dạng cuộc sống đời thường ; đó là điều mà chúng tôi cố tâm nhấn mạnh.
Nói cách khác, toàn bộ vấn đề sẽ được đặt nền tảng trên một cách nhìn khác, vào bức tranh tâm lý của chính chúng ta trong khuôn khổ thiền định tu tập. Không ai sẽ giải thoát cho ta được, mọi thứ – toàn bộ nhân quả – sẽ để lại nguyên vẹn cho mỗi người, y như là sự ràng buộc đối với chính cá nhân ta. Các minh sư, thiện tri thức, đạo hữu có thể giúp khởi động khả năng giải thoát ấy nhưng về cơ bản, những người đó không có vai trò quyết định.
Chúng ta làm sao biết được những điều kể ra trong bộ giáo huấn này thực sự có xảy ra cho những người chết ? Đã có ai từ ngôi mộ sống lại, trở về kể cho ta nghe những gì họ đã kinh qua ? Lẽ ra, đối với những ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trong giai đoạn giữa chết và tái sanh, một đứa trẻ con mới sanh có thể còn nhớ, nhưng rồi khi lớn lên, ký ức của một đứa bé bị thay thế bởi những điều dạy bảo từ cha mẹ và xã hội, và nó tự đặt mình vào một khuôn mẫu mới, khác biệt đến nỗi các ấn tượng sâu sắc và nguyên sơ, trở nên mờ nhạt đi ngoại trừ thỉnh thoảng xuất hiện lướt qua bất ngờ. Rồi thì, ngay bản thân ta rất không tin vào những ký ức đó, chúng ta rất lo sợ mất đi cuộc sống vật chất ổn định trong cõi đời này đến nỗi chúng ta xóa bỏ toàn bộ hay ít nhất cũng bỏ qua đối với bất kỳ loại kinh nghiệm tâm linh từ ký ức như vậy. Việc nhìn vào quá trình dựa trên khung cảnh của những gì xảy ra khi chết dường như giống với việc nghiên cứu một câu chuyện thần thoại ; chúng ta phải cần kinh nghiệm tu tập nhất định nào đấy đối với tiến trình bardo liên tục này.
Có sự đối chọi giằng co giữa thân và tâm và có kinh nghiệm tiếp diễn không ngừng của cái chết và cái sanh ra. Cũng có cái kinh nghiệm về bardo pháp tánh, về linh quang (hay quang minh), về bardo trở thành (tái sanh), về cha mẹ trong tương lai có thể được, về những hoàn cảnh sanh ra. Chúng ta cũng có thấy thần bình yên và thần xung nộ hiện ra liên tục ngay ở sát na này. Nếu tâm ta cởi mở và đủ thực tế để quán sát theo phương cách này thì kinh nghiệm có thật về cái chết và trạng thái bardo sẽ không phải là câu chuyện thần thoại thuần túy và cũng sẽ không là một cú sốc bất ngờ, bởi vì chúng ta cũng đã kinh qua kinh nghiệm đó rồi và chúng ta đã trở nên quen thuộc với toàn bộ sự việc đó.
BARDO Ở THỜI ĐIỂM ĐỐI DIỆN CÁI CHẾT
Kinh nghiệm bardo căn bản đầu tiên là kinh nghiệm về sự phân vân không biết chắc có phải trên thực tế mình đang chết – ý nói đang mất sự tiếp cận với thế giới vật chất này – hay mình còn có thể sống tiếp tục. Không phải trong hình thức rời bỏ thân xác mà mình nổi lên sự phân vân này, mà đích thực, ta bị phân vân chao đảo vì đang mất chỗ tựa, cái nền tảng của mình ; đó là khả năng có thể cất bước từ thế giới có thực đi vào một thế giới không thực. Chúng ta hẳn có thể nói rằng thế giới thực là thế giới trong đó chúng ta kinh nghiệm được niềm vui thích, sự đau khổ, điều hay điều dở. Có một hoạt động nào đó của trí năng, một thứ khái niệm nhị nguyên căn bản, chính nó cung cấp tiêu chuẩn cho các sự việc giống như các sự việc đó là vậy. Nhưng nếu chúng ta tiếp cận một cách trọn vẹn với các cảm thọ nhị nguyên này thì kinh nghiệm tuyệt đối đó của tính nhị nguyên tự nó là kinh nghiệm bất nhị. Như vậy sẽ không có trở ngại nào cả vì nhị nguyên được thấy bằng một quan điểm rõ rệt, cởi mở hoàn toàn, không hề có sự mâu thuẫn, sự phải trái ; có một cái thấy bao trùm, vô biên của “cái một”. Sự mâu thuẫn phải trái nổi lên bởi vì nhị nguyên đã không được thấy như nó đích thực là vậy. Nó đã được thấy chỉ đơn thuần theo một cách thức thiên vị, kỳ cục, vụng về. Thật vậy, chúng ta không nhận thức sự việc một cách đúng đắn, mà chúng ta khởi sự nhìn mọi sự như thể mình cùng với những phóng tưởng của mình thực sự hiện hữu. Cho nên khi chúng ta coi thế giới nhị nguyên này như mê lầm thì chính sự mê lầm đó không phải là “một thế giới” nhị nguyên trọn vẹn, mà chỉ là nửa vời, và điều này gây ra sự bất toại nguyện cùng cực và sự chao đảo lớn lao, nó phát triển lên tới mức sợ phải trở nên điên, tới mức phải rời bỏ thế giới nhị nguyên để đi vào một kiểu (tâm thức) của “cái không” mù mờ không minh bạch, đó là thế giới của người chết, cái nghĩa địa xuất hiện ở giữa đám sương mù.
Bộ giáo huấn này mô tả kinh nghiệm cái chết ở dạng các yếu tố khác nhau cấu thành cơ thể từ thô đến vi tế. Về phương diện vật chất cụ thể, ta cảm thấy nặng nề khi thể đặc (đất) tan vào thể lỏng (nước) và khi thể lỏng tan vào thể nhiệt ta cảm thấy sự tuần hoàn lưu chuyển trong người ta bắt đầu ngưng hoạt động. Khi thể nhiệt tan vào thể khí, ta bắt đầu mất cảm giác về nhiệt độ hay sự phát triển, và khi thể khí tan vào không gian ta mất liên hệ với thế giới vật chất. Cuối cùng, khi không gian hay tâm thức tan biến vào kinh năng lực trung ương (central nadi) thì có một cảm nhận về linh quang nội tại, một ánh sáng không rõ rệt ở bên trong khi tất cả được hướng nội hoàn toàn.
Những kinh nghiệm như vậy xảy ra không ngừng. Trạng thái có tính lô gích, hữu hình sẽ tan biến đi, và ta hoàn toàn không biết chắc là mình đang được giác ngộ hay đang đánh mất sự sáng suốt. Một khi xảy ra kinh nghiệm như vậy, nó có thể được thấy trong bốn hay năm giai đoạn khác nhau. Trước tiên tính chất cụ thể của sự hợp lô gích rất vật chất và sống động sẽ trở nên mờ nhạt ; nói cách khác bạn mất sự tiếp cận vật chất. Rồi thì bạn tự động nương dựa vào một thể năng hoạt hơn, đó là thể lỏng (yếu tố nước) ; tự bạn bạn tin chắc rằng tâm thức của mình vẫn còn hoạt động. Ở giai đoạn kế tiếp, tâm thức hoàn toàn không biết chắc còn hoạt động tốt hay là không, và có một cái gì đó ngưng hoạt động trong sự tuần hoàn của nó. Cho nên, cách duy nhất để liên hệ là thông qua những thức tình, bạn cố gắng nghĩ tới một người nào bạn thương hay ghét, một điều gì rất sâu đậm, nhưng vì tính nước (tính lỏng, dễ hoạt động) của sự tuần hoàn không còn có tác dụng nữa cho nên nhiệt tình yêu và ghét mãnh-liệt-như-bốc-lửa trở nên quan trọng hơn. Nhưng rồi “lửa” yêu và ghét đó cũng lần lượt tan nhập vào gió (thể khí) và có một kinh nghiệm không rõ ràng về sự mở trống ra, sao cho bạn có xu hướng đánh mất sự bám chặt vào sự tập trung nghĩ đến yêu thương hay cố nhớ lại bóng dáng người bạn yêu. Toàn bộ giống như thể trống rỗng ở bên trong, như bị cái không xâm chiếm.
Kinh nghiệm kế tiếp là linh quang (hay quang minh). Bạn đang muốn đầu hàng vì bạn không thể chống đối được nữa, và ngay lúc đó sự vô tâm, chểnh mảng, không bám víu, xuất hiện. Như thể nỗi đau và niềm vui xảy ra cùng lúc ; hay như là một cơn mưa đá lạnh rất lớn cùng với nước đang sôi đổ ập lên cơ thể bạn cùng một lúc. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc, rất mãnh liệt, tràn trề, đó là kinh nghiệm về cái “một” trong đó cả hai niềm hạnh phúc và nỗi đau đớn đều đồng nhất. Sự xung đột nhị nguyên – sự xung đột để cố gắng được “là” một cái gì đó là hoàn toàn mê lầm, do bởi hai lực của hai thái cực là mong giác ngộ và sợ trở nên mất trí. Hai thái cực này được quy kết cao độ đến nỗi cho phép xuất hiện sự thư giãn, buông thả nhất định nào đó ; và khi bạn không còn chiến đấu được gì nữa thì bản thân ánh linh quang tự hiển lộ một cách tự nhiên.
Bước kế tiếp là kinh nghiệm ánh linh quang trong cuộc sống hàng ngày. Ánh linh quang là một nền tảng – một thứ hậu trường – trung lập, một kẽ hở khi sự cuồng nhiệt căng thẳng bị chùng lại. Rồi thì, một thứ trí năng bắt đầu nối cái kẽ hở, cái hậu trường trung lập, với trạng thái tâm thức thức tỉnh, dẫn tới một sự thoáng thấy thình lình kinh nghiệm thiền định hay Phật tánh – cũng có thể gọi là pháp thân (dharmakaya). Nhưng nếu chúng ta không có phương tiện bắt liên lạc được với trí năng căn bản nên năng lực mê lầm vẫn khống chế diễn biến của tâm thức chúng ta, rồi thì năng lực đó phát triển một cách mù quáng để cuối cùng – có thể nói – từ năng lực vô lượng của ánh linh quang, nó suy sụp thành ra năng lực bị phân tán, lỗng ở nhiều mức độ khác nhau. Xu hướng chấp thủ cơ bản bắt đầu manh nha bắt rễ trong trạng thái linh quang, và từ đó, tùy theo cường độ, mà kinh nghiệm về sáu cõi luân hồi sẽ tăng trưởng. Nhưng tính cách ôm bám giữ chặt, tính căng thẳng của xu hướng chấp thủ đó không thể nào tự nó vận hành được mà không có năng lực làm tác nhân ; nói cách khác, năng lực đang được sử dụng để chấp thủ. Giờ đây, theo quan điểm các kiểu bản năng chấp thủ khác nhau, chúng ta hãy xem xét sáu cõi.
CÕI ĐỊA NGỤC
Chúng ta bắt đầu đề cập tới cõi địa ngục – cảnh giới mà xu hướng chấp thủ mãnh liệt nhất. Trước hết có một sự kiến tạo các năng lực, các xúc tình, phát triển tới tột đỉnh, tới một giai đoạn mà chúng ta – trong cuộc đua, mù mờ không biết được các năng lực đang điều khiển mình hay mình điều khiển chúng. Rồi, bất thình lình chúng ta mất hết dấu vết của toàn bộ cuộc chạy đua này, và tâm ta bị rơi vào một trạng thái trống trải, bỏ ngỏ – đó là không gian của linh quang. Từ trạng thái trống trải bỏ ngỏ này một sự quyết liệt cao độ muốn đánh nhau bắt đầu nảy nở, nhưng tâm thức hoang tưởng đó cũng mang đến sự khiếp sợ bị đe dọa. Ban đầu, sự hoang tưởng và khiếp sợ xuất hiện như thể để chống lại một đối tượng nào đó, nhưng ta hoàn toàn không biết rõ ai là người mình đang muốn đánh nhau, và khi toàn bộ sự việc đã phát triển thì sự khiếp sợ quay chống lại nó. Khi ta cố sức tấn công, thay vì chống lại phóng tưởng bên ngoài, ở đây ta lại tấn công vào bên trong.
Việc này cũng giống như câu chuyện một tu sĩ khổ hạnh thấy có một cái đùi con cừu trước mặt mình, muốn nhặt nó lên để nấu. Người thầy bảo ông ta làm dấu chữ thập vào đùi con cừu trước khi nấu ăn, và sau đó, vị tu khổ hạnh khám phá thấy dấu chữ thập trên ngực của ông ta. Đó là loại quan niệm thế ấy ; bạn tưởng có một đối tượng bên ngoài để tấn công, để chiến thắng nó. Và trong đa số trường hợp, nỗi căm ghét cũng giống như vậy. Bạn tức giận một đối tượng và cố sức đập bể tan tành cái đối tượng đó nhưng càng lúc diễn tiến của sự tức giận quay lại tàn phá mình, sự tức giận quay vào trong mình, dù bạn cố tránh nó nhưng đã quá trễ rồi, bạn chính là nỗi giận đó, nên bạn không thể nào tránh né nó được. Nỗi tức giận tức là bạn, như một con ma, lúc ẩn lúc hiện một cách liên tục ở trong mình, và cõi địa ngục phát triển như vậy.
Chúng ta thấy được những mô tả rất sống động về cõi địa ngục trong tác phẩm Trang Hoàng Châu Ngọc của sự Giải Thoát (Jewel Ornament of Liberation) của ngài Gampopa và về phương diện dùng hình tượng để tượng trưng thì mỗi sự hành hạ cực độ là một chân dung của chính mình. Trong cõi ngục, chính xác không phải bạn bị hành phạt, nhưng bạn bị ngập chìm trong một môi trường không gian toàn là sự đe dọa khủng bố, được mô tả là có những cánh đồng, núi non làm bằng sắt nung đỏ và không gian ngập tràn các tia lửa rực nóng đáng sợ. Thậm chí nếu bạn quyết định chạy trốn thì bạn phải dẫm chân lên những thanh sắt đang nung đỏ, còn nếu bạn quyết định không bỏ trốn thì thân thể của bạn biến thành cục than hồng. Bạn quá sợ vì bị nhốt kín và sức nung nóng đến từ mọi hướng, dưới đất thì toàn bộ biến thành sắt nung nóng, tất cả dòng sông đều là sắt nóng chảy, và trên đầu thì toàn bầu trời ngập tràn lửa ngọn.
Một dạng khác của địa ngục hoàn toàn ngược lại, đó là kinh nghiệm về băng tuyết cái lạnh cùng cực, một cõi nước đá trong đó mọi vật đều bị đóng băng. Đây là sự căm ghét theo một cách khác, sự căm ghét đến nỗi không muốn giao tiếp với ai cả. Đó là một loại căm hận thường xuất phát từ sự kiêu mạn thái quá, và sự kiêu mạn chuyển thành ra một môi trường lạnh như đá và được sự tự mãn tăng cường thêm, bắt đầu vận hành hệ thống. Nó không cho phép chúng ta được khiêu vũ, vui cười, thưởng thức âm nhạc.
CÕI QUỶ ĐÓI
Chúng ta có cõi tâm khác nữa, đó là cõi quỷ đói (ngạ quỷ). Để bắt đầu với cõi này, chúng ta vào linh quang bằng sự phát sanh lòng tham lam vô độ chứ không phải sự căm ghét như trong cõi địa ngục. Có một cảm thức về nghèo đói, nhưng đồng thời một cảm thức về sự giàu có, nó đối chọi nhau nhưng lại phát sanh nảy nở đồng bộ với nhau. Trong cõi quỷ đói, ta có một ham muốn tột độ, muốn giàu có, muốn thâu tóm rất nhiều của cải ; ta tìm kiếm của cải không phải ta cần dùng nó mà vì ta muốn sở hữu nó. Và rồi, điều này khiến cho ta lúc nào cũng thấy thèm khát hơn nữa, thấy càng không được có đủ, chính vì không phải sự ham muốn sở hữu mà thôi, mà còn cả sự ham muốn tìm kiếm thu gom mới thỏa mãn ta. Nhưng giờ đây, bởi vì ta đã có đủ tất cả, ta không thể đi đâu để tìm và để sở hữu một cái gì đó được nữa. Thật thất bại, vô ích, một kẻ đói từ căn bản không thể thỏa mãn được.
Rõ ràng là ta có quá đầy đủ, quá trọn vẹn đến nỗi ta không thể ăn thêm tí nào nữa, nhưng vì ta thích ăn, do đó ta bắt đầu có những ảo tưởng về mùi vị của thức ăn, khoái cảm ngon miệng khi ăn được nó, khi nếm nó, ngửi nó, nhai, nuốt, tiêu hóa nó. Toàn bộ diễn biến đó y như thể tưởng tượng ra để được thỏa mãn, và ta cảm thấy ganh tỵ cùng cực với những ai thực sự thấy đói và ăn được.
Sự việc này được tượng trưng bằng hình ảnh một con người có cái bụng rất to nhưng lại có cái miệng nhỏ và cái cổ họng thì cực kỳ nhỏ. Có nhiều tầng lớp khác nhau của kinh nghiệm này tùy theo mức độ thèm khát của người “đói”. Một vài người có thể lấy được thức ăn, nhưng rồi thức ăn tự tan biến mất hay họ không thể ăn được. Một số người có thể lấy thức ăn đưa vào miệng, nhưng họ không thể nuốt được thức ăn, một số người có thể nuốt được thức ăn nhưng khi vào tới bao tử, thức ăn bắt đầu bắt lửa và cháy. Có đủ tất cả các kiểu và các cấp độ đói khát liên tục của cuộc sống mỗi ngày của đời thường này.
Sự ưa thích sở hữu (ham muốn có được) không mang lại cho chúng ta bất kỳ niềm vui sướng một khi chúng ta đã có được. Chúng ta không ngừng khổ nhọc tìm kiếm thêm nhiều của cải hơn nữa, và tiến trình từ thèm khát đến chiếm hữu rồi trở lại thèm khát cứ thế diễn tiến liên tục, không vì thấy mình thiếu thốn nhưng vì không nhận ra rằng ta đã sẵn có mọi thứ mà không thể hưởng thụ được. Chính cái năng lực nằm trong hành động trao qua đổi lại, làm cho nó có vẻ thích thú phấn chấn hơn, như là gom góp, giữ nó, cầm nó lên, hay ăn nó. Loại năng lực đó là một kích thích, nhưng cá tính chấp thủ ham cố, khiến cho sự việc trở nên phức tạp, kỳ cục. Mỗi một khi ta có được trong tay cái ta muốn có, thì ta không còn thấy ưa thích sở hữu nữa, nhưng ta không muốn để nó rời khỏi tay ta. Thêm một lần nữa, ở đây trên những phóng tưởng của mình thể hiện mối liên hệ giữa ưa thích và chán ghét. Cũng giống như việc thấy cái vườn cỏ nhà bên cạnh xanh đẹp hơn, nhưng một khi ngôi vườn cỏ đó thuộc về ta thì ta nhận ra là không còn sự ưa thích hay đánh giá cao cái đẹp của nó như trước khi nó chưa thuộc về ta, và rồi tính chất lãng mạng mơ mộng của chuyện yêu thích bắt đầu phai nhạt đi.
CÕI SÚC SANH
Cõi súc sanh mang đặc trưng thiếu vắng óc hài hước vui vẻ. Chúng ta thấy rằng chúng ta không thể an trụ một cách bình đẳng trung lập trong linh quang, nên chúng ta bắt đầu đóng vai điếc và câm, diễn trò ngu muội một cách thông minh, điều này có nghĩa rằng ta hoàn toàn che dấu ý thức hài hước, một lĩnh vực của sự thể hiện tâm lý. Đặc trưng của súc sanh là không thể cười vui hay cười chế nhạo, súc sanh cũng biết vui mừng, biết đau đớn, nhưng bằng cách nào đó, chúng không biết mỉa mai hay hài hước.
Trong khuôn khổ một tôn giáo, ta có thể phát triển điều này bằng cách đặt lòng tin vào các giáo điều triết học hay thần học, hay – không chút nghi ngờ – chỉ một mực giữ lòng tin một cách khư khư không thay đổi, quá thực tế. Một mẫu người như vậy có thể rất kiên định trong công việc, rất giỏi, rất thành công và hoàn toàn bằng lòng với mình. Đó như là một nông dân chăm chút công việc đồng áng, rất thạo việc, luôn luôn giữ tính cách cởi mở, hiệu quả, sáng suốt ; hay một người điều hành một công ty kinh doanh hay một người cha trong gia đình, sống cuộc sống hạnh phúc, đảm bảo, có tương lai trong tầm tay, mọi sự đều thực tế, không có một chỗ nào cả để cho sự huyền bí can dự vào. Nếu ông ta muốn mua món đồ dùng mới thì đã có những chỉ dẫn sử dụng rõ ràng. Nếu gặp việc rắc rối ông ta sẽ nhờ cậy vào cảnh sát, luật sư, hay cha cố nhà thờ ; nghĩa là tất cả những người lành nghề trong lãnh vực chuyên môn – và họ cũng rất an tâm thoải mái trong công việc của họ. Mọi sự đều hoàn toàn trong tầm tay, hợp lý và đồng thời được tiến hành như một cái máy – đâu vào đó sẵn sàng. Họ không quen thiếu, không quen bất ngờ nên nếu có một tình huống không tiên liệu trước đột nhiên xảy đến thì họ hoang tưởng là bị đe dọa. Nếu có người không đi làm, trông có vẻ khác, có một cách sống khác thường, thì đích thị sự hiện diện của con người như vậy bản thân đang bị đe dọa. Bất kỳ sự việc gì có tính cách bất ngờ. Bất kỳ sự việc gì có tính cách bất ngờ đều đe dọa cung cách ổn định đó. Cho nên, rõ ràng là thái độ cứng ngắt, chừng mực, không có óc khôi hài là đặc trưng cõi súc sanh.
CÕI NGƯỜI
Cõi người xuất hiện ở một tình huống khác hơn, không giống với cõi súc sanh chỉ mong được sống và an phận. Cõi người đặt cơ sở trên sự đam mê, xu hướng ưa thích khám phá và hưởng thụ. Đây là lĩnh vực của sự nghiên cứu và phát triển, không ngừng cố gắng làm phong phú thêm nữa. Ta có thể nói, về phương diện tâm lý, cõi người gần với tính cách của cõi quỷ đói là luôn luôn nỗ lực để có được một cái gì đó, nhưng đồng thời cũng có yếu tố súc sanh là muốn mọi sự không có tính cách bất ngờ. Và có một ngoại lệ liên kết với cõi người, đó là kiểu nghi vấn xuất hiện cùng với sự đam mê, nó khiến con người tỏ ra khôn ngoan hơn, ưa thay đổi và khó tin cậy hơn. Họ có thể phát minh đủ kiểu dụng cụ và coi trọng việc sử dụng các dụng cụ phương tiện trong đủ các cách dùng triệt để nhằm mục đích nắm bắt được con người khó tin cậy kia, và đến lượt con người khó tin cậy đó lại triển khai các dụng cụ đối kháng lại. Do đó, chúng ta xây dựng thế giới chúng ta bằng vô số những thành tựu, nhưng sự phát triển làm ra các công cụ và các công cụ đối kháng đang leo thang không ngừng, và nảy sinh càng nhiều các nguồn cảm hứng đam mê cũng như các mưu đồ quỷ quyệt. Cuối cùng chúng ta không có khả năng hoàn tất được công việc to tát như vậy. Chúng ta lệ thuộc vào sanh và tử. Kinh nghiệm cũng có thể được nảy sinh mà cũng có thể bị mất đi, và ắt hẳn các khám phá của chúng ta là vô thường và tạm bợ.
CÕI ATULA – CÁC CHƯ THIÊN GANH TỴ
Cõi Atula hay cõi các chư thiên ganh tỵ là cõi có mối thông tin giao thiệp cao nhất, một trình độ rất tri thức. Khi bạn bất thình lình lìa khỏi ánh linh quang, trong bạn xuất hiện một thứ cảm giác như bị thách đố, khó giải quyết, y như thể ai đó đã bỏ bạn rơi vào giữa nơi hoang dã ; bạn có xu hướng muốn tra xét lại, nghi ngờ ngay cả cái bóng của mình không biết đó có phải là cái bóng thật sự hay là một mưu đồ kế hoạch gì của ai đó. Ở đây thức hoang tưởng là một loại giống như hệ thống ra-đa, một thứ hệ thống ra-đa hữu hiệu nhất mà cái ngã có thể có được. Nó quan sát nghe ngóng đủ mọi loại đối tượng dù rất nhỏ hay rất mờ nhạt, nghi ngờ từng mỗi đối tượng đến nỗi mỗi kinh nghiệm đều bị coi như một thứ đe dọa, đáng nghi.
Cõi này được biết là một thế giới đầy sự ganh tỵ ghen tức, nhưng không phải như chúng ta thường ghen hàng ngày. Đó là một thứ ganh tỵ hết sức sâu sắc dựa trên một tầm mức sống còn, quyết thắng. Hoàn toàn không giống như ở cõi người hay cõi súc sanh, mục tiêu của cõi các chư thiên ganh ghét này là hành xử với những mưu đồ quỷ quyệt – đó là những gì họ cưu mang, dù đang trong công việc hay giải trí. Làm như thể con người sanh ra đã là một người ngoại giao, và khi chết cũng là nhà ngoại giao. Quan hệ giao tiếp cùng với mưu mô quỷ quyệt là kiểu sống và đồng thời là cách kiếm sống của họ. Tính mưu mô nham hiểm đều có trong mối giao tiếp với bất kỳ ai, với người thân, với bạn bè, với thầy hay trò, bất cứ nơi nào.
CÕI NHỮNG VỊ TRỜI
Cõi cuối cùng là cõi của những vị trời – hay deva-loka. Ở đây, khi từ trong linh quang, người đó tỉnh lại, hay rời khỏi, lúc đó có một loại lạc thú không ngờ trước và người đó muốn duy trì niềm khoái lạc đó. Thay vì hoàn toàn hòa nhập vào cái nền tảng trung lập (bản nhiên, linh quang vô ngã), người đó bất thần nhận ra cái ngã riêng của mình, và cái ngã này mang lại một thức ý thức mong muốn là duy trì chính mình. Việc tự duy trì này là một trạng thái định (samadhi), thường hằng sống trong trạng thái nhập định và bình lặng ; đó là cõi trời, được biết như là cõi của thức kiêu mạn. Kiêu mạn trong ý thức vun đắp cho cái thân được quy kết vào riêng cho mình, gìn giữ thanh tịnh riêng cho mình ; nói cách khác đó là sự say sưa ngất ngây với sự có mặt của cái ngã. Bạn bắt đầu cảm thấy thỏa mãn là có được một kiểu khẳng định rằng cuối cùng bạn “được là” một cái gì đó thay vì là linh quang, không phải là nơi của ai. Và bởi vì bạn là một cái gì đó nên bạn phải tự duy trì và chính nó mang lại một trạng thái lạc thú thoải mái tự nhiên, một thứ nhập định trọn vẹn vào trong chính mình.
Sáu cõi thế giới này là cội nguồn của toàn bộ sự thăng trầm của kiếp sống trong luân hồi sanh tử và đồng thời là nơi để từ đó bước vào cõi Pháp thân. Điều này sẽ giúp ta hiểu được sự quan trọng của những ảnh hiện ra (visions), đã mô tả trong sách về giai đoạn bardo của sự trở thành, chính nó là một cõi giới khác. Có sự tương phản giữa hai cõi giới này : kinh nghiệm của sáu cõi do từ quan điểm của cái ngã và kinh nghiệm cũng của sáu cõi đó từ quan điểm vượt lên trên cái ngã. Những ảnh hiện ra này có thể nên coi như là những biểu hiện của năng lực trung lập thay vì có thể bị thấy như các thiên nhân đến cứu thoát bạn khỏi sanh tử hay các quỷ dữ năng lui tới bạn.
Bài Giảng của Chošgyam Trungpa, Rinpoche
Read more »