Niệm Phật Đường
Welcome
Login / Register

Exoteric scriptures - Hiển giáo


  • Cửu phẩm vãng sanh A-di-đà tam-ma-địa tập đa-ra-ni kinh

     

    CỬU PHẨM VÃNG SANH
    A-di-đà tam-ma-địa tập đa-ra-ni kinh

    * Đời nhà Tấn, tại chùa Hưng Thiện, ngài Tam tạng sa-môn Đại Quảng Trí Bất Không dịch từ Phạn ra Hán văn.
    * Việt Nam, chùa Thiền Tịnh, sa-môn Thích Viên Đức dịch thành Việt van


    ăn.Bấy giờ, đức Tỳ-lô-giá-na Như Lai ở nơi Đại Tam-ma-địa môn tịnh xá cùng với các bậc đại Tỳ-khưu gồm tám vạn chín ngàn người đều câu hội đầy đủ, toàn là bậc đại A-la-hán, huệ thiện đầy đủ, việc cần làm đã làm xong, các vị ấy là: Thần lực Trí Biện Quán Thế Âm Bồ-tát, Đắc Đại Thế Bồ-tát, Thần Thông Tự Tại Vương Bồ-tát, Tĩnh Quang Vô Cấu Đà La Ni Bồ-tát, Đại Lực Phổ Văn Bồ-tát, Đại Trang Nghiêm Lực Bồ-tát, Vô Lượng Quang Bồ-tát, Huệ Thiện Huệ Phổ Quang Vương Bồ-tát. Những vị Đại Bồ-tát và đại chúng Thanh văn như vậy đi đến chỗ Phật, bạch rằng: "Tại Vô Lượng Thọ quốc có chín phẩm Tịnh Thức Tam-ma-địa. Đây tức là cảnh giới của chư Phật, nơi Như Lai đang an ở. Chư Phật ba đời đều y theo đó mà thành Chánh giác, cụ túc tam minh, tăng trưởng phước huệ. Chín phẩm ấy là:

    * Thượng Phẩm Thượng Sanh Chân Sắc Địa.

    * Thượng Phẩm Trung Sanh Vô Cấu Địa.

    * Thượng Phẩm Hạ Sanh Ly Cấu Địa.

    * Trung Phẩm Thượng Sanh Thiện Giác Địa.

    * Trung Phẩm Trung Sanh Minh Lực Địa.

    * Trung Phẩm Hạ Sanh Vô Lậu Địa.

    * Hạ Phẩm Thượng Sanh Chơn Giác Địa.

    * Hạ Phẩm Trung Sanh Hiền Giác Địa.

    * Hạ Phẩm Hạ Sanh Lạc Môn Địa.

    Đây gọi là Chín phẩm Tịnh Thức chơn như cảnh. Trong ấy có bảo tượng Nội tọa gồm 12 mạn-đà-la Đại Viên Cảnh Trí. Đó là:

    1 - Nhất Thiết Tam Đạt Vô Lượng Quang Phật
    2 - Biến Giác Tam Minh Vô Biên Quang Phật
    3 - Trí Đạo Tam Minh Vô Ngại Quang Phật
    4 - Lục Chơn Lý Trí Tam Minh Vô Đối Quang Phật
    5 - Sắc Thiện Tam Minh Quang Viêm Vương Quang Phật
    6 – Nhứt Giác Tam Minh Thanh Tịnh Quang Phật
    7 - Phổ Môn Tam Minh Hoan Hỷ Quang Phật
    8 - Nhập Huệ Tam Minh Trí Tuệ Quang Phật
    9 - Quang Sắc Tam Minh Bất Đoạn Quang Phật
    10 - Minh Đạt Tam Minh Nan Tư Quang Phật
    11 - Ngũ Đức Tam Minh Vô Xứng Quang Phật
    12 - Trí Lực Tam Minh Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật.

    Chư Phật Như Lai như vậy là Chơn sắc cụ túc, là Bi tướng sở y của tất cả ba đời Như Lai. Nếu có chúng sanh muốn vãng sanh về Chín phẩm Tịnh độ như thế, hãy phụng quán 12 Viên diệu ấy, ngày đêm ba thời, xưng Chín phẩm Tịnh độ như vậy, xưng tán danh hiệu của 12 vị Quang Phật, tức vĩnh viễn ra khỏi nhà lửa trong ba cõi, quyết định sanh Chơn như, xa lìa Hữu lậu, vĩnh nhập Vô lậu.

    Nếu có người muốn nhập cảnh Tam-ma-địa ấy, để được đầy đủ Phật huệ, thân tâm trong sạch, thì hãy quán niệm Đại Tam-ma-da Phật tướng chơn ngôn thần chú:

    Án, A mật lật đá Đế tế Già lam Hùm.

    – Thiện nam tử, chơn ngôn Phạm chú nầy là tòa ngồi cứu cánh lý trí của tất cả mười phương ba đời Như Lai, là căn bản của 12 Không nguyện. Nếu đệ tử của ta muốn làm lợi lạc cho ba cõi nhơn thiên, hãy viết chép Kinh này mà thọ trì, đọc tụng sẽ tăng trưởng phước lạc, tăng ích trí tuệ, biện tài tăng trưởng, thọ mạng sắc lực, tiêu trừ nghiệp chướng, tiêu diệt vạn bệnh, tăng trưởng bi ái,sắc thiện đều đầy đủ. Huống là chí tâm biên chép, đọc tụng sẽ độ cho ba đời vô sanh thay đổi nhà lửa trong Tam giới. Đã tụng trì nhứt định vãng sanh về Chín phẩm Tịnh độ của cõi Cực Lạc.

    Bấy giờ, đại chúng nghe được lời Đức Phật đều đại hoan hỉ, tin thọ phụng hành

    Read more »
  • THỰC HÀNH TỪ THIỆN THEO MƯỜI ĐẠI NGUYỆN CỦA ĐỨC PHỔ HIỀN BỒ TÁT

     

    THỰC HÀNH TỪ THIỆN

    THEO MƯỜI ĐẠI NGUYỆN CỦA

    ĐỨC PHỔ HIỀN BỒ TÁT

    Pháp Hạnh

    “Phần hương nhứt niệm pháp không vương.

    Đại hạnh đồng tham biến kiết tường.

    Sát hải trần thân thi diệu lực.

    Trầm kha chướng nghiệp tổng an khương.”

     Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ

      Hội Từ Thiện Phật giáo Phổ Hiền (HTTPGPH) mang tên một vị Bồ Tát có “hành động lớn”.  Bồ Tát Phổ Hiền có 10 hạnh nguyện rộng lớn cứu độ và giác ngộ chúng sanh.  Ngài thực hành 10 hạnh nguyện này với vô số quyến thuộc để lợi ích cho đời.  Chúng ta cũng vậy, muốn lợi ích chúng sanh phải phát nguyện rộng lớn nơi tự tâm và có những người cùng tâm nguyện với mình trên bước đường từ thiện.  Đức Bồ Tát Phổ Hiền thị hiện với voi trắng 6 ngà an nhiên tự tại nhưng đầy uy nghiêm đi vào cuộc đời để lợi ích chúng sanh.  Lấy hình ảnh đầy bi, trí, dũng này, HTTPGPH được thành lập để nương nhờ thần lực của bồ tát Phổ Hiền mà tu học chuyển hóa và làm lợi ích cuộc đời.  Để làm được việc này, chúng ta cần phải áp dụng được 10 hạnh nguyện lớn của Ngài trong cuộc sống hằng ngày.  Hãy cùng nhau chiêm nghiệm và tìm ra phương cách áp dụng mười hạnh nguyện thù thắng này trong đời sống và trong sứ mạng từ thiện xã hội. 

              1.  Lễ kính chư Phật (Venerating all Buddhas): tức là thành tâm quy kính nương tựa nơi Phật bảo, là đấng phước trí vẹn toàn và tình thương không bờ bến.  Phật dạy mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, tức là đều có hạt giống Phật trong tâm.  Vậy, lễ kính chư Phật còn có thể hiểu trong ngôn ngữ hiện đại là TÔN TRỌNG THA NHÂN.  Tôn trọng mỗi mỗi con người, tôn trọng mỗi mỗi mạng sống, và giúp người cơ hội phát huy Phật tánh sẳn có của mình.  Trong phạm vi gia đình không thôi, nếu con cái tôn trọng cha mẹ và ngược lại, cha mẹ tôn trọng con cái, thì mọi người đều được hạnh phúc và có nhịp cầu cảm thông.  Khi đi ủy lạo, thành viên của Hội Từ Tế (do Ni Sư Chứng Nghiêm lãnh đạo) chấp tay cung kính cúi chào người nhận.  Cử chỉ này giúp cho người nhận phát huy phẩm giá của mình mà nổ lực vượt qua khó khăn.  Vì vậy, Hội Từ Tế không những chi giúp người nghèo mà còn chuyển hóa họ trở thành những vị mạnh thường quân trong tương lai.  Chúng ta nên học theo phương pháp này của Hội Từ Tế trong công tác cứu trợ và từ thiện của mình.

    2.  Xưng tán Như Lai (Praising the Thus Come One-Tathagata): Như Lai là đấng Giác Ngộ.  Đấng đi vào thế giới khổ đau từ cảnh giới chân như thanh tịnh.  Ta xưng tán Như Lai là ngợi khen, tri ân, và cung đón sự đến của Ngài với chúng ta.  Nếu chúng ta ca ngợi đức Như Lai được, mà không ca ngợi được những đức tính tốt nơi tha nhân thì chúng ta chưa thành tựu được hạnh nguyện xưng tán Như Lai.  Trong các kinh, đức Phật thường hay khen ngợi “hay thay, hay thay” với đệ  tử của Ngài.  Ban tặng lời khen chân thành không giả dối xu nịnh cho tha nhân là giúp họ PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN.  Không có lòng tự tin thì làm sao một người dám bước lên hành trình chuyển hoá chính mình.  Cha mẹ mà khen ngợi con cái thì con cái sẽ tiếp tục làm những việc tốt.  Thầy Tổ mà khen ngợi đệ tử thì đệ tử sẽ nỗ lực tu học.  Lãnh đạo mà khen ngợi nhân viên là giúp cho nhân viên thấy được điểm mạnh của mình...Khen ngợi giúp cho người phát hiện được chân như Phật tánh tiềm ẩn trong họ.  Khen ngợi người cũng giúp ta bỏ tâm kiêu căng, coi mình là nhất.  Được khen ngợi, tha nhân có lòng tự tin hăng say làm việc Đạo. 

    3.  Quảng Tu Cúng Dường (Offering universally): là dâng cúng lên ngôi Tam Bảo.  Phật dạy cúng dường phải hội đủ 5 phần (ngũ phần hương): 1/ hương của giới (kỷ luật), 2/ định (an trụ), 3/ huệ (trí tuệ giác ngộ), 4/ giải thoát (vượt qua mọi chướng ngại), và 5/ giải thoát tri kiến (cái nhìn thoáng rộng, không phân biệt ta và người, không chấp trước).  Lại nữa, Phật dạy, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật; vì lẽ đó, chúng ta tu học theo Ngài Phổ Hiền là phụng sự chúng sanh theo tinh thần ngũ phần hương (làm việc trong tinh thần kỹ luật, tương kính, làm việc với tâm an trụ và vui vẻ, làm việc có tổ chức và khoa học, làm việc với tinh thần phục khó, và cuối cùng, làm việc với tinh thần không suy tính vụ lợi, không khởi tâm cao ngạo.  Chúng ta “quảng tu cúng dường” bằng cách PHỤNG SỰ THA NHÂN .

    4.  Sám Hối Nghiệp Chướng (Repenting unwholesome deeds): thân chúng ta đã gây ra nhiều nghiệp chẳng trọn lành (unwholesome), lời nói chúng ta đã gây nhiều đau khổ buồn giận cho người, ý chúng ta đã mưu đồ bao gian kế.  Những nghiệp chướng đó từ vô thủy cho đến nay chồng chất tạo ra thân mạng và hành động ngày hôm nay.  Chúng ta nhất tâm xin sám hối.  Sám hối bằng cách thân làm những việc thiện, miệng nói những lời an ủi đến tha nhân, và ý nghĩ suy những điều tốt đẹp, những phương chước giúp đời.  Sám hối nghiệp chướng là CHUYỂN HÓA NGHI ỆP XẤU.

    5.  Tùy Hỷ Công Đức (Rejoicing in the good deeds of others): Là vui với niềm vui của người, vui với việc thiện của người, và cùng nhau làm việc thiện đem an vui lợi lạc cho quần sanh.  Tùy hỉ công đức có thể diễn dịch theo ngôn ngữ hiện đại là biết HỢP TÁC CÙNG NHAU LÀM VIỆC THIỆN.  HTTPGPH kêu gọi các cá nhân và nhóm nhỏ đang làm công tác từ thiện cứu tế khắp nơi cùng làm việc với nhau.  Nếu làm việc chung, mỗi cá nhân, mỗi nhóm vẫn giữ nguyên tình trạng của mình, nhưng có chung những phương tiện và sự hỗ trợ cần thiết.  

    6.  Thỉnh Chuyển Pháp Luân (Petitioning the Dharma Wheel to be turned): khi đức Thế Tôn thuyết bài pháp đầu tiên, Ngài đã so sánh nó như là chuyển bánh xe.  Bánh xe đưa chiếc xe tình thương và trí tuệ chuyên chở chúng sanh đến nơi an toàn.  Bánh xe chánh pháp xoay chuyển mở ra không gian của tình thương rộng lơn .  Mời thỉnh chư Phật chuyển bánh xe chánh pháp là xin Phật khai triển Pháp giới cho chúng sanh nương trú.  Chúng ta cùng nhau mời gọi bao con tim mở rộng tình thương tạo nên một thế giới nhân bản và mẫn cảm hơn với nỗi đau của tha nhân. Thỉnh chuyển pháp luân là MỞ RỘNG VÒNG TAY TỪ ÁI.

    7.  Thỉnh Phật Trụ Thế (Pleading Buddha to remain in the world): tất cả những việc làm của chúng ta sẽ thiếu chân chánh nếu không có sự hướng đạo của Phật tánh.  Khi không nương theo Phật tánh thì mọi sự dù tốt trên hình thức cũng dễ dàng thành ma sự.  Chúng ta thỉnh Phật hiển hiện sáng ngời trong tâm ta và hướng dẫn ta trên con đường Bồ Tát Đạo.  Thỉnh Phật trụ thế cũng là thỉnh những vị Phật tương lai đến với chúng ta.  Những thiện nguyện viên, bảo trợ viên là những vị Bồ Tát cùng chung sức với Hội Từ Thiện Phổ Hiền xoa dịu nổi đau của tha nhân và giúp họ hành trang và công cụ Phật pháp để thành công trên đường đời.  Thỉnh Phật trụ thế vì vậy là LÀM VIỆC VỚI PHẬT TÂM HẰNG HỮU TRONG SÁNG.

    8.  Thường tùy Phật học (Persistent in pursuing the Path): Trên bước đường thực hành Bồ Tát Đạo, chúng ta luôn trao dồi giáo lý về Tình thương, Lòng vị tha, và Tâm giác ngộ.  Khi làm việc nhiều, chúng ta dễ sao lãng việc thực tập và dễ bị rơi vào tâm lý giãi đãi, lệ thuộc vào người khác.  Thường tùy Phật học là tự giác nổ lực VUN BỒI HẠT GIỐNG PHẬT.

    9.  Hằng thuận chúng sanh (Flexibly and skillfully helping all sentient beings): Bồ Tát hằng thuận chúng sanh bằng cách hóa hiện ra vô sô thân hình khác nhau cho phù hợp vơi hoàn cảnh và địa vị của họ để giáo hóa và cứu trợ chúng sanh.  Cũng như vậy, hành giả và thiện nguyện viên của Phổ Hiền trong mọi hình sắc và vai trò của mình, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, đều có thể dấn thân làm lợi ích an vui cho người.  Hằng thuận chúng sanh là TRIỂN KHAI PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO.

    10.  Phổ Giai Hồi Hướng (sharing merits universally): Hồi hướng là mang ra san sẻ phước báo của mình đến muôn loài. Trong Phật giáo, phước báo đóng vai trò quan trọng.  Phước báo có hữu lậu và vô lậu.  Chẳng hạn như làm việc thiện, bố thí cúng dường, thì sanh nhân giàu sang, nhưng được giàu sang rồi mà không lo tu thì cũng bị sa đọa .  Hồi hướng là chia sẽ phước báo đến người.  Khi chúng ta giàu mà xung quanh chỉ toàn những người nghèo, thì thử hỏi có vui gì? Khi đó, loạn tặc sẽ khắp nơi, ai ai cũng nơm nớp lo sợ, môi trường bị ô nhiễm, dù giàu mà vẫn phải hít bụi bặm và uống nước ô nhiễm thì đâu phải là hạnh phúc hoàn toàn .  Hồi hướng là đem công đức mà mình tạo được gieo duyên lành để tương lai có một cuộc sống an lành sung túc biết hướng thiện, làm lành, và luôn giữ được tâm Bồ Đề.  Hồi hướng còn là bỏ tâm tham chấp muốn giữ hết phước cho mình hay chấp thấy đo lường công quả hơn thua.  Hồi hướng là tạo ra pháp giới rộng lớn cho mình trong hiện tại và mai sau, là SỐNG VỚI TÂM RỘNG RÃI

              Tóm lại, 10 nguyện lớn của đức Phổ Hiền là kim chỉ nam hướng dẫn đời sống tu học và làm việc cho Hội Từ Thiện Phật Giáo Phổ Hiền.  Nó cũng là chìa khóa để đi đến hạnh phúc và giải thoát cho mình và cho người.  Chúng ta hãy thể nghiệm 10 hạnh nguyện này trong cuộc sống và Phật sự từ thiện xã hội để mang an vui lợi lạc đến cho mình và người.

    Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

    Read more »
  • 4 Oai Nghi Người Xuât Gia Phải Thực Hành NGHIÊM CHỈNH

    TỨ OAI NGHI CỦA HÀNH GIẢ XUẤT GIA

    Khi vừa vào xuất gia, con đã học và tâm đắc bài “Quy Sơn Cảnh Sách” nhất là đoạn : “Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi.” Sau đó con luôn luôn được Sư Phụ chỉnh sửa từng chút về dáng đi, kiểu ngồi,…để có được “đường đường Tăng tướng”. Con cũng muốn mình trở thành một bậc mô phạm trong Thiền môn thế nhưng có biết bao nhiêu lần con bị “trật đường rầy” và phải liên tục chỉnh sửa lại. Cho nên, con rất tâm đắc với đề tài : “Tứ Oai Nghi của hành giả Xuất Gia”. Đây là một cơ hội nữa để con nhìn lại chính mình, nêu lên những suy tư và quyết tâm thể hiện và thâm nhập nếp sống Đạo của hạnh xuất gia mà mình đã chọn.

    Oai nghi là hình thức bề ngoài của người tu. Người xưa nói: “có oai khá sợ, có nghi khá kính”. Trong thiền môn, rất chú trọng đến bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Bởi người xuất gia, ngoài việc hành trì giới luật nghiêm minh, còn phải giữ gìn oai nghi tế hạnh. Đó là những phép tắc cao đẹp của người xuất gia. Người có oai nghi, ai trông thấy cũng kính trọng, mến phục. Người thiếu oai nghi, tất nhiên là thiếu cung cách phẩm hạnh cao đẹp của một người tu. Vì thế, một tu sinh dự tu, theo phẩm hạnh cung cách của người xuất gia, thì phải giữ gìn oai nghi tế hạnh thật cẩn thận. Đó là vừa khắc phục chính mình mà cũng vừa cảm hóa kẻ khác. Từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, nói năng, làm việc v.v… tất cả đều phải giữ gìn đúng theo phong thái nghiêm trang, nhẹ nhàng của một tu sỹ. Những cử chỉ, hành vi thô tháo ngoài đời, tu sỹ cần phải khắc phục sửa đổi lại. Có thế, thì việc tu hành của chúng ta trong khóa tu mới được lợi lạc rất lớn. Bằng ngược lại, thì rất là có lỗi vậy.

    “Tứ Oai Nghi” bao gồm : đi đứng ngồi nằm của người xuất gia phải theo khuôn phép và đạt những tiêu chuẩn nhất định. Trong Luật Tạng và 24 Thiên Oai Nghi của Sa Di có rất nhiều điều liên quan đến 4 oai nghi này. Là người tu phải khéo chế phục, điều ngự nơi thân và tâm của mình sao cho không thô tháo, buông lung, giãi đãi, trạo cử, làm mất đi niềm tin của tín thí và thế nhân, đó phải là biểu tượng của Chân – Thiện – Mỹ. Ông bà chúng ta có câu : “Học ăn, học nói, học gói, học mở” học mọi thao tác nhỏ nhất trong cuộc sống thế thì trong Thiền môn, hàng tu sỹ phải khéo làm chủ và biểu hiện nơi mọi cử chỉ cho dù là nhỏ nhất của mình hàm chứa trong đó nội dung Phật Pháp.

    Khi học về “Tỳ ni nhật dụng thiết yếu”, chúng con đã học về cách rửa mặt, đánh răng, uống nước, mặc y áo,…Như vậy có phải là phức tạp hóa hay rườm rà hình thức về nếp sống hàng ngày của người tu hay không? Thưa Không ! Đó là cách để thực tập chánh niệm tỉnh giác, đem tuệ giác chiếu soi nơi mọi việc làm hàng ngày và Thiền trong cuộc sống đời thường. nếu như nói chuyện oang oang, đi đứng ầm ĩ làm rúng động sự yên tĩnh người khác, ăn uống vung vãi, quần áo đồ đạc ngổn ngang bừa bãi vậy thì làm sao có thể tạo được một “Thiền môn nghiêm tịnh, hải chúng an hòa”, như lời cảnh giác của “Tổ Quy Sơn” :

    Lời to, tiếng lớn, nói năng vô phép. Không kính thượng tọa, trung tọa, hạ tọa, ngồi với nhau không khác gì sự tụ họp của các đạo sĩ Bà la môn. Khua bát ra tiếng, ăn rồi dậy trước. Đi ở trái phép nên bản chất tăng sĩ mất hẳn, đứng ngồi quàng hoảng nên làm động tâm niệm của kẻ khác. Phép tắc ít nhất cũng không giữ, uy nghi nhỏ nhất cũng không còn, thì đưa cái gì ra để kềm thúc hậu bối, nên kẻ sơ học không biết do đâu mà mô phỏng?”

    Khi còn làm Sa Di Ni, con lại nghĩ mình “kém phước” nên “bị” làm thị giả cho Sư Phụ, gần gũi trực tiếp với Sư Phụ trong khi bao nhiêu người tu trẻ khác cùng lứa tuổi của mình không làm thị giả, được tự do hơn, giải trí và học tập được nhiều hơn. Bao nhiêu lần “bị la”, bị chỉnh khiến con tự ái, tự thương thân mặc cảm, ngậm ngùi. Thế nhưng sau này con mới ngộ ra rằng : chính cái thời gian làm thị giả “hầu Thầy” ấy, chính vì bị “sửa lưng” nhiều như vậy, con mới học được, thực tập được nhiều thứ mà ở ngoài thế gian không sao học được, tôi luyện mình cho phù hợp với Thiền môn và “thấm tương chao”. Đó là diễm phúc lớn, là nền tảng vững chắc cho cả đời tu tập và sinh hoạt Phật sự của mình. Nếu không biết làm thị giả tốt thì làm sao có thể trờ thành vị Thầy tốt và nuôi dạy chúng tốt?

    Mọi người tu, ai cũng nghĩ mình phải thấy (ngộ) được đạo, và nghĩ rằng đạo là cái gì cao siêu ở ngoài mình. Triệu Châu cũng có tâm niệm như chúng ta, khi được Ngài Nam Tuyền trả lời “tâm bình thường là đạo”, sư chưa đủ sức tin. Vậy, tâm bình thường là tâm nào? Tâm bình thường là tâm lặng lẽ sáng suốt, thấy biết rõ ràng, như mặt nước phẳng lặng không gợn sóng trong mọi việc đang xảy ra hiện tại. Ngài Sùng Tín hầu hạ luôn bên thầy 3 năm, một hôm sư thưa:
    – Từ ngày con vào đây đến nay, chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu.
    Đạo Ngộ bảo:
    – Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi.
    Sùng Tín hỏi:
    – Thầy chỉ dạy ở chỗ nào?
    Đạo Ngộ bảo:
    – Ngươi dâng trà lên ta vì ngươi mà tiếp, ngươi bưng cơm đến ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?

    Đó, Đạo ở đâu xa, Đạo bàng bạc quanh ta, Đạo ngay nơi ăn cơm, uống nước, từng việc làm hàng ngày của người thị giả. Tu không phải là đợi lên chánh điện tụng kinh, ngồi thiền, bái sám,… mới gọi là tu mà tu ở khắp nơi : ngoài sân, trong bếp, phòng khách, trai đường, trong mọi việc làm mà lặng lẽ chiếu soi, thân đâu tâm đó, chánh quán, không khởi vọng niệm, đó là tu, đó là động thiền.

    Trong Tăng Già thời Đức Phật, chính cái phong thái đĩnh đạc, ung dung giải thoát của Đức Phật đã cảm hóa được năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển mặc dù ban đầu họ có thành kiến với Ngài và bàn bạc với nhau là không đón tiếp Ngài. Câu chuyên Ngài Xá Lợi Phất được cảm hóa theo Đạo Phật được ghi : “ Xá Lợi Phất bỗng nhìn thấy thầy A Thị Thuyết (Assaji, là một trong năm vị tì kheo đầu tiên xuất gia làm đệ tử Phật) trên một đường phố trong kinh thành Vương Xá …Dáng vẻ của thầy A Thị Thuyết trông trang nghiêm làm sao! Mỗi cử chỉ đi, đứng của vị tì kheo ấy đều tỏ rỏ oai ghi tế hạnh. Thoạt nhìn thấy, Xá Lợi Phất bỗng cảm thấy tâm hồn rúng động. Thật kinh ngạc, thật kì lạ, không thể tả được! Không dằn được thắc mắc Xá Lợi Phất liền bước đến trước mặt A Thị Thuyết, chào hỏi một cách cung kính”. Thế cho nên, Ngay nơi oai nghi cử chỉ lại có sức cảm hóa người khác mạnh hơn cả lời nói. Giáo hóa độ sanh trong Phật Giáo có 3 phương diện : Thân Giáo – Khẩu Giáo – Ý Giáo. Không phải Giảng sư chỉ dùng ngôn ngữ để thuyết pháp mà tất cả nụ cười, ánh mắt, ngón tay, dáng ngồi im lặng đều là những bài pháp không lời. Giảng sư không phải giống như một ca sỹ hoặc một nghệ sỹ cải lương đóng xong tấn tuồng vai trò mình trên sân khấu rồi cởi bỏ râu mũ muốn làm gì thì làm mà phải thể hiện đạo lý trong nếp sống hàng ngày của mình, tránh tình trạng “năng thuyết bất năng hành” (nói hay nhưng làm không hay) hoặc lý thuyết suông, sáo rỗng.

    Không giữ đúng oai nghi sẽ mang đến những hậu quả xấu xa, tai hại. Trong “Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư” có dạy một người vào điện Phật lễ Phật mà để cây gậy dựa vào tường, chính cái sơ ý thất thố này mà khiến cho việc Lễ Phật đã không tăng thêm mà lại mất phước. Nếu chúng ta rửa khua chén bát vào ban đêm khiến cho ngạ quỷ đói khát rướn cổ và đứt cổ. Một việc mất oai nghi trong rửa chén lại đưa đến thương tổn và đau khổ như vậy. Nếu lên chánh điện mà đánh chuông đánh mõ không đúng nhịp thì có thể làm rối loạn và phiền não thời công phu. Nếu hô canh mà không đúng cách khiến đại chúng khó nhiếp niệm vào Thiền. Nếu trong phòng thi hay trong lớp học mà không biết im lặng trật tự thì khiến bao người xung quanh động niệm, không tập trung được và khó chịu. Xoa đầu vuốt ve trẻ vị thành niên khác giới có thể bị kiện ra tòa. Nếu đi với dáng vẻ lấc xấc, nếu vừa chống nạnh vừa nghe điện thoại, hút thuốc lá phì phèo tự do, nếu lái xe honda chạy quá nhanh bạt mạng thì khiến dân chúng coi thường tu sỹ. Nếu Ban Kinh Sư trong tiến linh hoặc Chẩn Tế Cô Hồn mà oai nghi không đúng sẽ phản tác dụng, phiền não và đọa lạc… Như vậy có thể nào khinh suất mà không học hỏi, thực tập và biểu hiện cho đúng khuôn phép hay sao?

    Thân và Tâm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau : “Tướng tùy tâm sanh, tướng tùy tâm hiện”. Một con người lười biếng giãi đãi, hay bỡn cợt, không có ý thức cao, tinh chuyên tu tập thì làm sao có thể kiểm thúc được nơi thân? Trong Thiền Tứ Niệm Xứ có 4 yếu tố : Thân, Thọ, Tâm, Pháp, hay khi ngồi thiền có các giai đoạn : điều thân, điều tức, điều tâm. Hình có ngay thì bóng mới thẳng. Con mắt là cửa sổ của tâm hồn. Con người tham nhiễm sắc dục thì làm sao mà mắt không liếc ngó lơ láo quàng xiên được? Tu là cả quá trình tu sửa, trong đó có việc sửa thói hư tật xấu nơi Thân, Khẩu, Ý của mình, có cả tu tâm và tu tướng. Có được như vậy thì mới có thể hướng đến việc làm : “Thầy khắp cả Trời Người”, Sứ Giả Như Lai. Pháp Bảo Đàn Kinh ghi : vị Tăng Pháp Đạt ở Hồng Châu thường tụng kinh Pháp Hoa, đến lễ Lục tổ Huệ Năng mà đầu không sát đất. Tổ quở: “Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ. Trong tâm ông ắt có một vật, “chất chứa việc gì?” Pháp Đạt thưa: “Đã tụng được ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa.” Tổ bảo: “Ông nếu tụng đến muôn bộ, đạt được ý kinh mà chẳng lấy làm hơn thì cùng ta sánh vai. Nay ông mang sự nghiệp này trọn chẳng biết lỗi…” Tụng kinh nhiều mà thiếu tu tập thì biểu hiện ngạo mạn, thiếu đi 3 ngàn oai nghi, 8 muôn tế hạnh cũng chẳng ích gì!

    Tăng đoàn xưa thời Đức Phật chỉ cần thứ lớp khất thực lặng lẽ cũng gieo trồng phước điền, gây tạo niềm tin và cảm hóa quần chúng. Ngày nay những tu sỹ giả và khất thực giả dễ bị phát hiện là do cách đi đứng, ánh mắt, lời nói của họ thô tháo làm sao họ có thể tái hiện lại bước chân của những “Tượng Vương” đĩnh đạc uy nghi? Nếu một người khéo biết quán sát thì chỉ cần nhìn cách xá chào, câu thưa hỏi, dáng đi, cách ngồi, cách rót trà cũng có thể biết đối tượng đó tu bao lâu, có “thấm mùi tương chao” (thiền vị) hay chưa?

    Tăng đoàn đó là nếp sống của những người hòa hợp, tỉnh thức. Khách tham quan và thiện tín vào chùa có thể học hỏi rất nhiều điều từ sinh hoạt của người xuất gia chứ không phải là chỉ học được từ Pháp Thoại trên Pháp Tòa :người tu nấu ăn thế nào, hành đường ra sao, thọ trai cách gì, xỉa răng ra sao,…Tất cả đều được thể hiện sự vững chãi, thảnh thơi, đạo lực của người tu, chất liệu của giải thoát. Hình ảnh của Đức Phật ngồi trên tòa sen rất trang nghiêm, tôn quý, Ngài nhập niết bàn trong tư thế nằm tuyệt hảo. Như vậy người tu ngồi như Đức Phật ngồi trên tòa sen, đứng như cách Đức Phật A Di Đà sẵn sàng tiếp độ, đi như là đang thiền hành và nằm theo dáng Đức Phật nhập niết bàn, có vậy mới có thể tạo ra một hình ảnh siêu phàm thoát tục, biểu tượng quy ngưỡng cho hàng tại gia và thế nhân.

    Nay trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhiều cuộc Tọa Đàm, Hội Thảo diễn ra liên quan đến các Ban Ngành : Pháp chế, Tăng Sự, Nghi Lễ, Văn Hóa, Hoằng Pháp, Giáo Dục Tăng Ni, …nhằm nâng cao phẩm chất người tu và phát triển Phật Giáo Việt Nam. Trong đó, những vấn đề như Pháp phục cho người tu sỹ, việc khất thực, thực hành nghi lễ, giới luật cho hàng tu sỹ và xử trị đang được cân nhắc nghiêm túc để áp dụng cho hàng xuất gia trong giai đoạn sắp đến. Nếu trên 15 000 ngôi chùa và 55000 tu sỹ mà tu đúng, sinh hoạt đúng thì Phật Giáo hưng thịnh và truyền bá đến khắp hang cùng ngõ hẻm cuộc sống, trong đó biểu hiện oai nghi đóng vai trò rất quan trọng trong biểu tượng Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo để mọi người quy hướng và tu tập trên lộ trình giải thoát.

    Nay con được phước duyên làm người xuất gia vào phương trời cao rộng. Con đã có hình tưởng Tăng Bảo “đầu tròn, áo vuông” nhưng “chiếc áo không làm nên thầy tu” mà là tất cả phẩm hạnh biểu hiện nơi Thân Khẩu Ý mới quyết định là một người xứng danh Tỳ Kheo hay không? Con nguyện khép mình trong Pháp và Luật của Như Lai, cẩn thận dè dặt tu tập với oai nghi tế hạnh để không làm thất thố oai nghi, tổn giảm niềm tin của tín thí, và dần dần trở thành một bậc mô phạm xứng đáng. Con biết những tập khí xấu xa vẫn còn trong con rất nhiều trải qua nhiều đời kiếp nhưng sẽ miệt mài tu sửa. Thi tuyển vào Trung Cấp Giảng Sư cũng là cơ hội để giao tiếp, để học hỏi kinh nghiệm từ chư Tôn Đức và Thiện Tri Thức để hoàn thiện chính mình trước khi có thể hoằng Pháp độ sanh. Hoàn thiện để phục vụ, phục vụ để hoàn thiện, con biết rất khó trở thành một Thiền Môn Long Tượng nhưng đó là động lực là hướng tu tập. Thân người khó được, Phật Pháp khó gặp, hãy sử dụng trọng đời này, thân này trong việc tu tập và xiển dương Giáo Pháp. Nhân Giới Sinh Định, nhân Định Phát Tuệ, giới định tuệ là căn bản cho tu tập và hoằng pháp lợi sanh. Giới Luật còn là Phật Pháp còn. Con xin trau sửa theo Giới Pháp Như Lai để hạnh phúc, an lạc, thăng hoa, giải thoát, “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, thuyết Pháp Như Lai”

    Source: NPD

    Read more »
  • THỰC HÀNH TỊNH HÓA - THAN TAM

    BÀI GIẢNG NGẮN VỀ THỰC HÀNH TỊNH HÓA
    Khenpo Sodargye giảng trong Pháp hội Kim Cương Tát Đỏa 2007
    Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

    Lễ tán Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật:

    Với tình thương lớn trong cõi trược, ác đấu,
    Phát năm trăm lời thệ nguyện thật rộng sâu
    Như sen trắng đẹp, nghe danh không thối chuyển
    Chí thành đỉnh lễ Đấng Từ Phụ Bổn Sư.[1]

    Thọ nhận ân phước gia trì nhanh chóng nhờ Đạo Sư Du Già:

    Từ thánh tích Ngũ Đài Sơn,
    Ân phước Diệu Cát Tường tan hòa vào tâm,
    Chí thành đỉnh lễ Đức Jigme Phuntsok,
    Xin ban tâm truyền và ân phước.

    Kyabje Jigme Phuntsok RinpocheLý do tôi thuyết giảng hôm nay là bởi, trong số những người tham dự Pháp hội Kim Cương Tát Đỏa và đang nỗ lực thực hành tịnh hóa, phần lớn chưa biết đến Pháp tu căn bản về tịnh hóa ác nghiệp và tính cấp thiết của nó. Nếu đúng như vậy, dù cho các bạn có lặp lại nhiều lần các Mật chú, kết quả cũng không phát huy tác dụng. Vì thế, tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn về Pháp tu tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa.

    I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA VIỆC TỊNH HÓA ÁC NGHIỆP

    Kinh Đại Thừa Địa Tạng Thập Luân nói rằng, theo giáo lý của Đức Phật, có hai kiểu người không làm ác: kiểu đầu tiên là những người không bao giờ làm những ác hạnh, họ được gọi là những vị thiết lập ngọn cờ Phật giáo; kiểu thứ hai là những người sau khi phạm phải hành vi sai lầm, đã sám hối và tịnh hóa ác hạnh với sự hối hận, họ được gọi là những người phá hủy ngọn cờ của Ma vương. Họ đều có thể được gọi là những vị nắm giữ Phật giáo hay những bậc tịnh hóa sở hữu lòng dũng cảm.

     

    Đức Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nhiều lần nói với chúng ta rằng, là một hành giả Phật giáo, tốt nhất là tránh mọi kiểu hành động xấu xa từ nhỏ. Trong thời đại mà Giáo Pháp đang suy giảm, thật khó để làm vậy. Trước và sau khi quy y, hành giả cư sĩ đã phạm phải các ác hạnh về thân – sát sinh, trộm cắp và tà dâm, các ác hạnh về khẩu – nói dối, nói lời ác nghiệt, nói lời vô nghĩa và gieo mối bất hòa và các ác hạnh về ý – tham lam, muốn làm hại người khác, hủy báng Phật giáo, phá hủy các đại diện vật lý của Tam Bảo, phạm nhiều Biệt giải thoát giới, Bồ Tát giới và Mật giới. Thậm chí chúng tôi, là những vị Tăng và Ni, cũng vô tình hay cố ý phạm nhiều giới luật bởi những cảm xúc phiền não và thói quen tập khí tích lũy từ vô thủy. Dù chúng ta có nhớ hay không, những ác hạnh mà chúng ta đã làm thì khá nhiều. Vì thế, thật khó để trở thành kiểu người đầu tiên. Bởi vậy, chúng ta cần mong muốn trở thành kiểu thứ hai – những người đã làm ác nhưng mong muốn sám hối và tịnh hóa nhờ Đức Kim Cương Tát Đỏa. Đây là tính cấp thiết của việc tịnh hóa ác nghiệp.

    Chúng ta có thực sự cần phải sám hối và tịnh hóa? Câu trả lời là chắc chắn! Đặc biệt, những người sống ở thành phố đã tích lũy nhiều ác nghiệp và nếu bây giờ họ không tịnh hóa, tác động của những hành động gây hại sẽ theo họ và rất có thể dẫn họ đến các đọa xứ, như địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh và sẽ chẳng có cơ hội nào để giải thoát khỏi khổ đau. Bởi thế, chúng ta đều phải sám hối và tịnh hóa và hiểu được tính cấp thiết của sự tịnh hóa.

    II. NGUYÊN NHÂN CỦA THỰC HÀNH TỊNH HÓA

    Sự thật rằng chúng ta đã bước vào thực hành tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa trong chính cuộc đời này là bằng chứng cho thấy phước báu lớn lao. Những vị đã tìm hiểu về Kinh Bách NghiệpKinh Hiền Ngu sẽ biết rằng trong những Kinh này, mặc dù sự sám hối và tịnh hóa miên mật trong khắp các đời, những người đã làm các ác hạnh không thể tịnh hóa mọi ác nghiệp của họ và ác nghiệp sẽ vẫn chín muồi trong đời sau. Tại sao vậy ? Bởi họ chưa gặp được một đối tượng đặc biệt mạnh mẽ để chứng minh cho sự sám hối của họ.

    Nghi quỹ tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa là thực hành cực kỳ mạnh mẽ. Trong Mật Điển Sự Hợp Nhất Của Tâm Bí Mật có đoạn, “Về Mật chú sáu âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa, tinh túy của chư Phật ba đời, những ai lắng nghe tên gọi của Mật chú cho thấy rằng họ đã thực hiện những thiện hạnh trước nhiều vị Phật khác nhau, và họ sẽ sinh về cõi giới của Đức Kim Cương Tát Đỏa. Họ sẽ thọ nhận ân phước của chư Phật và sẽ lĩnh hội được giáo lý Đại thừa, sở hữu những phẩm tính siêu phàm, bao gồm cái nhìn của trí tuệ hoàn hảo và họ sẽ trở thành trưởng tử của Phật”. Vì thế, biết đến thực hành thanh tịnh như vậy, chúng ta thực sự đã có phước báu lớn lao.

    Trong thực hành này, tôi hy vọng các bạn có thể đặt một bức tượng/hình Đức Kim Cương Tát Đỏa phía trước mặt và lặp lại Mật chú khi bạn quán tưởng. Sức mạnh của Mật chú Kim Cương Tát Đỏa là vô biên. Thậm chí nếu bạn không thể quán tưởng Đức Kim Cương Tát Đỏa, sức mạnh của sự trì tụng cũng tích lũy được vô lượng công đức. Nhưng nếu bạn có thể quán tưởng rõ ràng, sẽ lợi lạc hơn nhiều.

    Lúc này, tại đây – nơi thung lũng Larong, chúng ta có thể nghe thấy âm thanh của Mật chú Kim Cương Tát Đỏa khắp nơi. Đây cũng là ân phước của chư Phật và Bồ Tát cũng như Đức Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche. Nhiều người đang nhất tâm cầu nguyện đến Đức Kim Cương Tát Đỏa. Với cá nhân họ, điều này có thể tịnh hóa ác nghiệp từ vô thủy ; với cả thế giới, thực hành này có tác động lớn lao trong việc duy trì hòa bình thế giới. Các cảm xúc tiêu cực của hữu tình chúng sinh, xung đột giữa con người, chiến tranh giữa các quốc gia, tất cả đều có thể được tiêu trừ nhờ âm thanh của Mật chú này.

    III. TẠI SAO PHÁP TU TỊNH HÓA KIM CƯƠNG TÁT ĐỎA CÓ THỂ TỊNH HÓA ÁC NGHIỆP VÀ CHE CHƯỚNG?

    Tại sao Mật chú này có thể tịnh hóa ác nghiệp và che chướng của chúng ta ? Trong Mật Điển Chuyển Hóa Phẫn Nộ Ba Phần Của Kim Cương Tát Đỏa có nói, “Trì tụng Mật chú Kim Cương Tát Đỏa 100 000 lần thậm chí có thể tịnh hóa những Mật giới gốc bị hủy phạm”. Khi nói rõ điểm này, Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nói rằng, “Nếu những người trong quá khứ trì tụng 100 000 lần Mật chú, trong thời đại suy đồi, chúng ta cần nhân lên bốn lần, nghĩa là cần trì tụng 400 000 lần”. Trong Mật thừa Phật giáo, lỗi lầm nghiêm trọng nhất là sự vi phạm các Mật giới. Nếu lỗi lầm như vậy có thể được tịnh hóa thì tất cả những ác hạnh khác đều có thể được tịnh hóa. Như Kinh điển thường nói, “Những lỗi lầm nghiêm trọng nhất được tạo ra trong suốt một nghìn kiếp có thể được tịnh hóa trong một thời khóa thực hành tịnh hóa, khi mà hành giả hết sức nỗ lực”.

    Vài người có thể nói rằng, “Tôi đã phạm phải ác hạnh ghê gớm khi còn là ngoại đạo – sát sinh, cãi cọ, nói xấu Phật Pháp, tà kiến hay tương tự. Liệu có còn cơ hội tịnh hóa chúng?”. Với sự xác quyết, chắc chắn có thể tịnh hóa chúng. Động cơ là điều quan trọng. Không chỉ Phật giáo tuyên bố như vậy, nhiều nhà tâm lý và nhà khoa học về y khoa cũng tin tưởng điều này là đúng. Ví dụ, khi nhiều người cùng nhau trì tụng những đoạn kệ cát tường, nó có ảnh hưởng đến sự phát triển của mọi vật trên thế gian. Một nhà khoa học Hoa Kỳ phát hiện sau nhiều năm nghiên cứu rằng, với cùng một đối tượng, chẳng hạn một bông hoa,  nếu một người nói những lời lăng mạ, chẳng mấy chốc nó sẽ héo rũ, trong khi nếu người đó nói những lời yêu thương, nó sẽ bền lâu hơn. Người Nhật cũng khám phá ra rằng, với cùng kiểu nước, nếu ai đó tán dương nó liên tục, sự kết tinh của nó sẽ mang hình tướng một bông sen, trong khi nếu ai đó nói lời cay nghiệt, sự kết tinh sẽ mang hình tướng xấu. Vì thế, nếu chúng ta trì tụng Mật chú với sự hối hận mạnh mẽ, bất cứ ác nghiệp nào cũng có thể được tiêu trừ. Đây không nên là một vấn đề.

    Có một lý do khác. Kim Cương Tát Đỏa là một vị Phật. Khi còn là một Bồ Tát, ngài phát đại nguyện rằng, “Nguyện cầu con hiện diện trước mọi chúng sinh, những kẻ đã tích lũy ác nghiệp nặng nề và nếu ai trì tụng Mật chú của con mà không thể tịnh hóa ác nghiệp, con nguyện chẳng thành Phật”. Sau đấy, đại nguyện của ngài trở thành thật và ngài đạt giác ngộ và trụ trong cõi Tịnh độ.

    Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, Mật chú Kim Cương Tát Đỏa khác với danh hiệu của các vị Phật khác. Mặc dù hồng danh của Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Dược Sư đều tuyệt diệu, [chúng có tác dụng khác nhau bởi] những đại nguyện khác biệt của từng vị Phật. Điều đó giống với những cử nhân đại học có những lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Vị Phật hữu hiệu nhất trong việc giúp đỡ chúng ta tịnh hóa che chướng và ác nghiệp là Kim Cương Tát Đỏa. Đó cũng là lý do khiến chúng ta cần cầu nguyện đến ngài.

    Vì thế, chúng ta có thể biết rằng, trì tụng 400 000 lần Mật chú Kim Cương Tát Đỏa có thể tịnh hóa ác hạnh được tích lũy trong quá khứ. Đức Kim Cương Tát Đỏa cũng phát nguyện về điều này và nhờ sức mạnh của những đại nguyện đó, ác nghiệp của chúng ta dứt khoát sẽ được tịnh hóa, giống như sức mạnh của đại nguyện của Phật A Di Đà có thể giúp chúng ta vãng sinh Cực Lạc nhờ trì tụng hồng danh của ngài. Bởi vậy, chúng ta cần lưu tâm đến đại nguyện tuyệt vời này của Đức Kim Cương Tát Đỏa.

    IV. PHƯƠNG PHÁP TỊNH HÓA

    Chúng ta thực hành tịnh hóa bằng cách áp dụng bốn phương pháp đối trị. Kinh Tứ Pháp Huấn nói rằng, “Khi một vị Bồ Tát áp dụng bốn sức mạnh đối trị, mọi ác hạnh tích lũy đều có thể được tịnh hóa. Bốn sức mạnh đối trị này là gì? Chúng là sức mạnh của sự hối hận đã làm sai, sức mạnh của hành động như là phương thuốc, sức mạnh của sự quyết tâm và sức mạnh của sự hỗ trợ”. Điều này được Tổ Longchenpa nhắc đến trong An Trú Rời Xa Hư Huyễn, vì thế tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết về bốn sức mạnh này. Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, các bạn có thể tham khảo Lời Vàng Của Thầy TôiBình Giảng Về Lời Cầu Nguyện Cực Lạc, trong đó, các bạn sẽ tìm được giáo lý chi tiết.

    Nương tựa vào sức mạnh của ân phước từ Đức Kim Cương Tát Đỏa và sự sám hối và tịnh hóa của chính chúng ta, chúng ta chú tâm vào việc trì tụng Mật chú trong vài ngày này. Nhiều người đến đây tham dự Pháp hội. Mặc dù chúng tôi không thông báo chính thức về Pháp hội, các bạn đã vân tập về đây bởi lòng quyết tâm của bản thân. Điều này có ý nghĩa lớn lao. Tại sao? Bởi cuộc đời là vô thường, và không tham gia Pháp hội Kim Cương Tát Đỏa này, chúng ta có thể sẽ chết mà chưa tịnh hóa những ác nghiệp, thứ tiếp tục ở trong dòng tâm thức. Khi chúng chín muồi, chúng ta sẽ chẳng bao giờ giải thoát khỏi luân hồi và điều này thực sự đáng sợ. Thứ xuất hiện chỉ là một Pháp hội cầu nguyện, thực sự, là cơ hội để mỗi người chúng ta tịnh hóa ác nghiệp. Giống như một ngọn lửa thiêu cháy hạt giống, với sự áp dụng bốn sức mạnh đối trị, ác nghiệp trong quá khứ đều sẽ bị thiêu rụi và dòng tâm thức sẽ được tịnh hóa.

    Vậy làm sao chúng ta thực hành tịnh hóa? Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã sai. Dù điều này nghĩa là chúng ta đã sát sinh trong quá khứ hay chúng ta đã phạm giới, ta vẫn cần cảm thấy một sự hối hận mạnh mẽ, giống như khi ta cảm thấy sau khi uống thuốc độc (sức mạnh của việc hối hận đã làm sai). Từ thời khắc này trở đi, dù tính mạng nguy hiểm, chúng ta sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Nếu chúng ta có được kiểu quyết tâm này, ác nghiệp sẽ được tẩy trừ. Nếu thực sự không thể làm vậy, chúng ta cần cố gắng hết sức bỏ ác và làm lành (sức mạnh của sự quyết tâm). Sau đó, nương tựa sức mạnh của Đức Kim Cương Tát Đỏa, chúng ta cần sám hối và tịnh hóa một cách thành tâm (sức mạnh của sự hỗ trợ). Khi chúng ta thực hành tịnh hóa, tốt nhất là đặt một bức tượng/hình của Đức Kim Cương Tát Đỏa phía trước và quán tưởng Đức Kim Cương Tát Đỏa phía trước khi sám hối và tịnh hóa: “Con (nói tên mình) đã phạm phải những ác hạnh như vậy vào thời điểm như vậy …”. Các bạn cần sám hối các ác hạnh mà bạn đã phạm phải, lần lượt từng điều, và nương nhờ ân phước gia trì của Đức Kim Cương Tát Đỏa, mọi ác hạnh sẽ được tiêu trừ (sức mạnh của hành động như là thuốc chữa trị).

     

    V. QUÁN TƯỞNG

     

    Một sự giảng giải chi tiết về từng bước quán tưởng có thể được tìm thấy trong Lời Vàng Của Thầy Tôi: hãy quán tưởng Đức Kim Cương Tát Đỏa thân trắng trên thân tướng bình phàm của chúng ta. Khi chúng ta trì tụng Mật chú trăm âm, cơn mưa cam lồ rơi xuống và tịnh hóa dòng tâm thức của chúng ta. Sau đấy, hãy quán tưởng Đức Kim Cương Tát Đỏa tan vào chúng ta và thân thể chúng ta phóng ánh sáng cúng dường và tịnh hóa. Cuối cùng, toàn thể vũ trụ tan hòa vào chúng sinh bên trong – Đức Kim Cương Tát Đỏa của năm gia đình. Sau đấy, lần lượt, các vị tan thành ánh sáng và tan vào chúng ta và kế đó, hãy quán tưởng chúng ta tan vào Pháp giới. Hãy an trú trong trạng thái này một lúc. Khi những ý niệm khởi lên, hãy thấy rõ ràng rằng toàn thể vũ trụ và chúng sinh bên trong là sự hiển bày tuyệt vời của Đức Kim Cương Tát Đỏa.

    Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu sơ qua về Nghi Quỹ Thực Hành Tịnh Hóa Kim Cương Tát Đỏa – Như Ý Bảo Châu của Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche. Pháp tu này khá đơn giản. Với những người chưa bao giờ thực hành giai đoạn phát triển và thành tựu, quán tưởng một vị Phật hợp nhất cùng vị phối ngẫu trong các pháp tu sâu xa với ý nghĩ bất tịnh là điều khá có cơ sở. Theo các bước trong thực hành Mật thừa, chúng ta cần bắt đầu từ Ngoại Mật, và quán tưởng một vị Phật đơn; khi chúng ta trở nên thiện xảo hơn trong sự quán tưởng, chúng ta cần bắt đầu thực hành giai đoạn phát triển và hoàn thiện một cách dần dần, trước khi bước vào các thực hành cao cấp hơn.

    Xét đến sự thật rằng phần lớn các bạn là người mới, tốt nhất là quán tưởng như sau:

    Trong khoảng không phía trước chúng ta, với những đám mây trắng bồng bềnh trôi, hãy quán tưởng một bông sen trắng, trên đó là đĩa mặt trăng. Ngự bên trên là Đức Kim Cương Tát Đỏa đơn: thân ngài màu trắng, ngài ngồi trong tư thế kim cương, cầm chuông và chày, toàn thân được điểm tô bằng mười ba trang sức của Báo thân Phật. Như thế, Đức Kim Cương Tát Đỏa, trong hình tướng cao quý, phóng ánh sáng trắng.

    Dĩ nhiên, trong vài pháp tu, cần phải quán tưởng Đức Kim Cương Tát Đỏa trên đỉnh đầu. Trong pháp tu này, chúng ta quán tưởng ngài phía trước mặt. Thông thường, khi trì tụng hồng danh Phật A Di Đà, chúng ta quán tưởng ngài phía trước mặt, nhưng theo một số nghi quỹ Mahayoga và Anuyoga trong Mật thừa, cần phải quán tưởng trên đỉnh đầu. Điều này đúng với một số pháp tu Vô Lượng Quang Phật.

    Là người mới, chúng ta cần quán tưởng Đức Kim Cương Tát Đỏa ngự phía trước mặt, mỉm cười từ ái hướng về chúng ta, nhìn chúng ta với lòng bi mẫn, đôi mắt trí tuệ của ngài đang dõi theo những chúng sinh đáng thương trong một tỷ vũ trụ. Sau khi quán tưởng như vậy, hãy cầu nguyện với niềm tin trước sự chứng minh của ngài, và trì tụng Mật chú của ngài. Có nhiều cách trì tụng Mật chú: ví dụ, bạn có thể trì tụng khi quán tưởng câu chú quay tròn hay phóng ánh sáng. Bạn có thể tụng chú như một cách thức cầu nguyện. Bạn cũng thể niệm hồng danh của ngài. Không nhiều người biết cách [quán tưởng] thần chú phóng ánh sáng hay quay tròn. Đây không phải vấn đề lớn. Cứ nhất tâm tụng “Om Vajra Sattva Hum, Om Vajra Sattva Hum” trước ngài, trong khi nhớ và sám hối từng lỗi lầm mà bạn đã phạm. Sau đó, Đức Kim Cương Tát Đỏa phóng ánh sáng – cúng dường và tịnh hóa. Tiếp đấy, ánh sáng và Đức Kim Cương Tát Đỏa tan vào chúng ta và các ác hạnh được tích lũy từ vô thủy của chúng ta được tịnh hóa. Cuối cùng, hãy hồi hướng và trì tụng những lời cầu nguyện cát tường.

    Có vài người nghĩ rằng Pháp tu Kim Cương Tát Đỏa cũng phức tạp và họ chẳng quán tưởng được. Hôm nay, tôi sẽ trao cho các bạn một thực hành đơn giản – Như Ý Bảo Châu do Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche soạn. Đầu tiên, các bạn cần quy y và phát Bồ đề tâm; sau đó, hãy quán tưởng Đức Kim Cương Tát Đỏa phía trước mặt, phóng ánh sáng khắp mười phương, rồi mọi thứ tan vào bạn, và mọi chúng sinh đều biến thành Đức Kim Cương Tát Đỏa. Duy trì trong trạng thái này sau khi bạn hồi hướng công đức.

    Thực sự, Pháp tu này khá đơn giản. Với những người không có nền tảng vững chắc trong các thực hành sâu xa của Mật thừa, quán tưởng Kim Cương Tát Đỏa [theo nghi quỹ này] là đủ. Một bản văn Terma mà Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche phát lộ trong Hồ Sen Ngọc nói rằng, Pháp tu Kim Cương Tát Đỏa này sẽ đem lại vô số lợi lạc cho chúng sinh. Bởi các bạn đều đã đến đây, hãy khắc ghi điều này trong khi trì tụng Mật chú Kim Cương Tát Đỏa. Đây cũng là một trong những giáo lý mà Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche để lại cho chúng ta.

    Thời nay, chẳng cần thực hành các nghi quỹ khác. Mipham Rinpoche dạy rằng, “Chakrasamvara [Thượng Lạc Kim Cương], Hevajra [Kim Cương Hỷ], Guhyasamaja [Mật Tập Kim Cương], Kalachakra [Thời Luân Kim Cương], Heruka, Vajrakilaya [Phổ Ba Kim Cương] … tất cả đều là sự hiển bày của Đức Kim Cương Tát Đỏa, sự hợp nhất của chư Phật ba đời và mười phương, và mọi Mật chú bí mật và công truyền đều nằm trọn trong Mật chú sáu âm”. Vì vậy, trì tụng Mật chú Kim Cương Tát Đỏa giống như trì tụng Mật chú của Đức Vô Lượng Quang, Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Phật khác. Trì tụng Mật chú của ngài thực sự là trì tụng mọi Mật chú. Vài giáo lý cũng nói rằng, tốt nhất là trì tụng Mật chú trăm âm. Nếu bạn thực sự chẳng thể trì tụng như vậy, bạn có thể thay thế bằng Mật chú sáu âm của ngài.

    Vì thế, đây là cơ hội rất quý giá. Tôi hy vọng tất cả có thể nhất tâm tụng niệm. Bạn cần giữ sự trì tụng tiếp tục khi quay trở về. Mặc dù bạn bè và người thân của bạn không tham dự Pháp hội lần này, nếu họ có thể hoàn thành túc số 400 000 tại nhà, điều đó cũng giúp họ tích lũy công đức giống như thực sự tham dự Pháp hội. Về những tình nguyện viên đang làm việc ở đây, các bạn không nên từ bỏ công việc tình nguyện của mình, nhưng với những người khác, chẳng có điều gì quan trọng hơn. Chúng ta cần sám hối và tịnh hóa một cách thành tâm. Kẻ phàm phu tích lũy ác nghiệp nhiều như Núi Tu Di. Họ không thể không có bất cứ ác nghiệp nào. Chỉ nhờ tịnh hóa nhờ Mật chú Kim Cương Tát Đỏa, chúng ta mới có thể giải thoát. Nếu không, điều xảy đến sau khi chết sẽ rất đáng sợ.

    Bây giờ, tôi sẽ trao truyền cho các bạn Mật chú trăm âm và Mật chú sáu âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa:

    Mật chú trăm âm

    OM VAJRASATTVA SAMAYA MANUPALAYA VAJRASATTVA TENOPA TISHTHA DRIDHO ME BHAWA SUTOKHAYO ME BHAWA SUPOKHAYO ME BHAWA ANURAKTO ME BHAWA SARWA SIDDHI ME PRAYACCHA SARWA KARMA SU TSA ME TSITTAM SHREYANG KURU HUNG HA HA HA HA HO BHAGAWAN SARWA TATHAGATA VAJRA MA ME MUNCA VAJRI BHAWA MAHA SAMAYASATTVA AH.

    Mật chú sáu âm

    OM VAJRA SATTVA HUM, OM VAJRA SATTVA HUM…

    Ok. Bây giờ cũng đã muộn và Pháp hội ngày mai bắt đầu khá sớm, tôi sẽ kết thúc ở đây. Hãy cùng hồi hướng công đức!

    Nguyên tác Anh ngữ: Brief Discourse in Purification Practice (http://www.khenposodargye.org/2013/03/brief-discourse-in-purification-practice-2/)
    Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
    Mọi sai sót là lỗi của người dịch. Xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo, Tam Gốc.
    Mọi công đức có được, dù nhỏ bé, xin hồi hướng cho tất thảy bà mẹ chúng sinh đang trôi lăn trong biển khổ luân hồi.

    SOURCE: TVHS

    Read more »
  • DIỄN TIẾN CUỘC TỰ THIÊU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC NGÀY 11-6-1963

     

    DIỄN TIẾN CUỘC TỰ THIÊU
    CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC NGÀY 11-6-1963 
    Tác giả: Malcolm Browne (AP): 1931 – 2012
    Chuyển ngữ: Tịnh Thủy
    Bản gốc: http://www.ap.org/explore/the-burning-monk/

    09:00 PM
    June 10, 1963

    BROWNE NHẬN CUỘC ĐIỆN THOẠI

    Vào lúc 9 giờ tối ngày 10 tháng 6 năm 1963 Đại Đức Thích Đức Nghiệp từ chùa Xá Lợi đã gọi điện thoại cho Browne và các phóng viên báo chí khác thông báo về một lễ tưởng niệm của Phật Giáo sẽ được tổ chức vào buổi sáng ngày mai. “Ông Browne, tôi đặc biệt khuyên ông nên đến. Tôi nghĩ rằng có một cái gì đó quan trọng sẽ xảy ra, nhưng tôi không thể nói với ông cái gì sẽ xảy ra.”
    3_ThePhotograph_slideshow_1

    07:50 AM
    June 11, 1963

    BROWNE VÀ BILL TRẦN VĂN HÀ ĐẾN CHÙA TỪ NGHIÊM [01]

    Vào lúc 7 giờ 50 phút sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, cả hai đến chùa Từ Nghiêm, 10 phút trước lịch trình ấn định cho buổi lễ.  Bên cạnh sự hiện diện của hai phóng viên hãng thông tấn AP gồm Browne và Trần Văn Hà, còn có phóng viên của AFP và UPI; tuy nhiên, chỉ có Browne và Trần Văn Hà có mang theo máy ảnh.
    Buddhist leaders warned Browne that a major protest would take place in Saigon. He arrived at the Buddhist pagoda where

    08:00 AM
    June 11, 1963

    BUỔI LỄ BẮT ĐẦU

    Chư Tăng Ni trong bộ đồng phục áo cà sa đứng ngập trong chánh điện ngôi chùa và lối đi nhỏ hẹp trước chùa. Tất cả đang liên tục tụng kinh.
    Monks and nuns recited funeral chants before the demonstration

    09:00 AM
    June 11, 1963

    BUỔI LỄ TỤNG KINH CHẤM DỨT, VÀ BẮT ĐẦU CUỘC TUẦN HÀNH HƯỚNG VỀ CHÙA XÁ LỢI

    Chư Tăng Ni xuống đường, và tất cả lập thành đoàn hướng về chùa Xá Lợi.
    The Buddhist protestors walked from the pagoda to central Saigon


    Monks and nuns formed a circle around a Saigon intersection

    09:17 AM
    June 11, 1963

    CUỘC TUẦN HÀNH TỚI GIAO LỘ PHAN ĐÌNH PHÙNG VÀ LÊ VĂN DUYỆT

    Chiếc xe ô tô loại sedan mầu xám, dẫn đầu đoàn tuần hành, dừng tại giao lộ và đoàn Tăng Ni lập thành đội hình bao xung quanh. Ba nhà Sư xuất hiện và đem theo một can xăng 5 gallon loại dùng cho máy bay. Xăng máy bay đốt cháy chậm hơn so với xăng thường.
    Buddhist monk Quang Duc emerged from a car and sat in the center of the intersection while a younger monk poured gasolin

    09:17 AM
    June 11, 1963

    CÁC NHÀ SƯ TƯỚI XĂNG LÊN ĐẦU NGÀI THÍCH QUẢNG ĐỨC

    "Ngài Thích Quảng Đức ngồi xuống, bắt chéo chân ngồi thiền kiểu kiết già truyền thống của Phật giáo, và chờ đợi, đầu hơi cúi xuống, trong khi hai nhà sư khác mang bình xăng tới và đổ tất cả, nhưng có khoảng một lít trên đầu ngài."
    blank

    09:22 AM
    June 11, 1963

    NGÀI THÍCH QUẢNG ĐỨC TỰ MÌNH CHÂM LỬA VÀ TỰ THIÊU  

    "Tôi đứng khoảng 20 feet về bên phải và một chút trước mặt ngài Quảng Đức. Tôi thấy rõ ràng ngài đánh một que diêm ngay bên trong lòng của mình, và với một chuyển động nhẹ, chạm vào áo choàng."
    Quang Duc sat still as he was engulfed in flame.


    blank

    Other monks and nuns looked on as Quang Duc burned to death.

    09:35 AM
    June 11, 1963

    NGÀI QUẢNG ĐỨC TỪ TRẦN

    "Vào lúc 09:35, ngài Quảng Đức ngã về phía sau, và sau một vài co giật, rõ ràng là đã chết và bị thiêu cháy, mặc dù ngài vẫn còn trong trạng thái đang cháy."
    Quang Duc's self-immolation was done to protest alleged persecution of Buddhists by the South Vietnamese government.

    09:35 AM
    June 11, 1963

    CHƯ TĂNG NI CẦU NGUYỆN TRƯỚC NHỤC THÂN CHÁY ĐEN CỦA NGÀI THÍCH QUẢNG ĐỨC TRONG KHI TRẦN VĂN HÀ TỨC TỐC TRỞ VỀ VĂN PHÒNG AP CHUYỂN HÌNH ẢNH ĐI CHO THẾ GIỚI BIẾT SỰ KIỆN

    "Tôi đã gửi Trần Văn Hà trở lại văn phòng AP cùng với tất cả các cuộn phim và hướng dẫn thiết lập cách chuyển vận các cuộn phim bằng đường hàng không và đặt một cuộc gọi điện thoại đến Tokyo, theo lệnh đó."
    Quang Duc's remains before they were moved to a coffin and carried to a nearby pagoda by his fellow monks and nuns.

    A monk prays over the Quang Duc's remains.

    10:00 AM
    June 11, 1963

    CHƯ TĂNG CHOÀNG ÁO CÁ SA XUNG QUANH THÂN THỂ CỦA NGÀI QUẢNG ĐỨC VÀ BẮT ĐẦU RƯỚC VỀ CHÙA XÁ LỢI

    "Cũng như một đoàn rước mới được được tiến hành, rất nhiều phóng viên báo chí khác bắt đầu đến. ... Tất cả chúng tôi cùng theo đoàn rước đến chùa Xá Lợi, đi bộ khoảng 10 phút ".

    10:45 AM
    June 11, 1963

    BROWNE TRỞ VỀ VĂN PHÒNG AP BÁO CÁO CHUYỆN TỰ THIÊU CỦA NGÀI QUẢNG ĐỨC

    "Tôi đã trở lại văn phòng của chúng tôi vào lúc 10:45. Các cuộn phim đã được đã được chuyển ra nước ngoài. Tôi nhận được tin từ Tokyo bằng điện thoại vào khoảng 11:15 đêm."

    HÀNH TRÌNH CỦA CUỘN PHIM

    Trong một thế giới khi chưa có Internet và kỹ thuật số, các cuộn phim phải trải qua một cuộc hành trình lâu 15 giờ dài trên 9.000 miles. Sau đây là sơ đồ ghi lại cuộc hành trình của cuộn phim này: (click vào bản đồ xem rõ hơn)
    MB_Infographic_053013_InExp

    [01] Có lẽ thông tin cho sai nhằm đánh lạc hướng cơ quan mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thực sự buổi lễ cầu siêu không phải diễn ra tại chùa Từ Nghiêm (đường Bà Hạt Q. 10 Chợ Lớn) mà là Phật Bửu Tự tọa lạc tại số 80 A đường Cao Thắng Q. 3 TP. Sài Gòn.
    Source: TVHS

    Read more »
RSS