4 Oai Nghi Người Xuât Gia Phải Thực Hành NGHIÊM CHỈNH
TỨ OAI NGHI CỦA HÀNH GIẢ XUẤT GIA
Khi vừa vào xuất gia, con đã học và tâm đắc bài “Quy Sơn Cảnh Sách” nhất là đoạn : “Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi.” Sau đó con luôn luôn được Sư Phụ chỉnh sửa từng chút về dáng đi, kiểu ngồi,…để có được “đường đường Tăng tướng”. Con cũng muốn mình trở thành một bậc mô phạm trong Thiền môn thế nhưng có biết bao nhiêu lần con bị “trật đường rầy” và phải liên tục chỉnh sửa lại. Cho nên, con rất tâm đắc với đề tài : “Tứ Oai Nghi của hành giả Xuất Gia”. Đây là một cơ hội nữa để con nhìn lại chính mình, nêu lên những suy tư và quyết tâm thể hiện và thâm nhập nếp sống Đạo của hạnh xuất gia mà mình đã chọn.
Oai nghi là hình thức bề ngoài của người tu. Người xưa nói: “có oai khá sợ, có nghi khá kính”. Trong thiền môn, rất chú trọng đến bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Bởi người xuất gia, ngoài việc hành trì giới luật nghiêm minh, còn phải giữ gìn oai nghi tế hạnh. Đó là những phép tắc cao đẹp của người xuất gia. Người có oai nghi, ai trông thấy cũng kính trọng, mến phục. Người thiếu oai nghi, tất nhiên là thiếu cung cách phẩm hạnh cao đẹp của một người tu. Vì thế, một tu sinh dự tu, theo phẩm hạnh cung cách của người xuất gia, thì phải giữ gìn oai nghi tế hạnh thật cẩn thận. Đó là vừa khắc phục chính mình mà cũng vừa cảm hóa kẻ khác. Từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, nói năng, làm việc v.v… tất cả đều phải giữ gìn đúng theo phong thái nghiêm trang, nhẹ nhàng của một tu sỹ. Những cử chỉ, hành vi thô tháo ngoài đời, tu sỹ cần phải khắc phục sửa đổi lại. Có thế, thì việc tu hành của chúng ta trong khóa tu mới được lợi lạc rất lớn. Bằng ngược lại, thì rất là có lỗi vậy.
“Tứ Oai Nghi” bao gồm : đi đứng ngồi nằm của người xuất gia phải theo khuôn phép và đạt những tiêu chuẩn nhất định. Trong Luật Tạng và 24 Thiên Oai Nghi của Sa Di có rất nhiều điều liên quan đến 4 oai nghi này. Là người tu phải khéo chế phục, điều ngự nơi thân và tâm của mình sao cho không thô tháo, buông lung, giãi đãi, trạo cử, làm mất đi niềm tin của tín thí và thế nhân, đó phải là biểu tượng của Chân – Thiện – Mỹ. Ông bà chúng ta có câu : “Học ăn, học nói, học gói, học mở” học mọi thao tác nhỏ nhất trong cuộc sống thế thì trong Thiền môn, hàng tu sỹ phải khéo làm chủ và biểu hiện nơi mọi cử chỉ cho dù là nhỏ nhất của mình hàm chứa trong đó nội dung Phật Pháp.
Khi học về “Tỳ ni nhật dụng thiết yếu”, chúng con đã học về cách rửa mặt, đánh răng, uống nước, mặc y áo,…Như vậy có phải là phức tạp hóa hay rườm rà hình thức về nếp sống hàng ngày của người tu hay không? Thưa Không ! Đó là cách để thực tập chánh niệm tỉnh giác, đem tuệ giác chiếu soi nơi mọi việc làm hàng ngày và Thiền trong cuộc sống đời thường. nếu như nói chuyện oang oang, đi đứng ầm ĩ làm rúng động sự yên tĩnh người khác, ăn uống vung vãi, quần áo đồ đạc ngổn ngang bừa bãi vậy thì làm sao có thể tạo được một “Thiền môn nghiêm tịnh, hải chúng an hòa”, như lời cảnh giác của “Tổ Quy Sơn” :
“Lời to, tiếng lớn, nói năng vô phép. Không kính thượng tọa, trung tọa, hạ tọa, ngồi với nhau không khác gì sự tụ họp của các đạo sĩ Bà la môn. Khua bát ra tiếng, ăn rồi dậy trước. Đi ở trái phép nên bản chất tăng sĩ mất hẳn, đứng ngồi quàng hoảng nên làm động tâm niệm của kẻ khác. Phép tắc ít nhất cũng không giữ, uy nghi nhỏ nhất cũng không còn, thì đưa cái gì ra để kềm thúc hậu bối, nên kẻ sơ học không biết do đâu mà mô phỏng?”
Khi còn làm Sa Di Ni, con lại nghĩ mình “kém phước” nên “bị” làm thị giả cho Sư Phụ, gần gũi trực tiếp với Sư Phụ trong khi bao nhiêu người tu trẻ khác cùng lứa tuổi của mình không làm thị giả, được tự do hơn, giải trí và học tập được nhiều hơn. Bao nhiêu lần “bị la”, bị chỉnh khiến con tự ái, tự thương thân mặc cảm, ngậm ngùi. Thế nhưng sau này con mới ngộ ra rằng : chính cái thời gian làm thị giả “hầu Thầy” ấy, chính vì bị “sửa lưng” nhiều như vậy, con mới học được, thực tập được nhiều thứ mà ở ngoài thế gian không sao học được, tôi luyện mình cho phù hợp với Thiền môn và “thấm tương chao”. Đó là diễm phúc lớn, là nền tảng vững chắc cho cả đời tu tập và sinh hoạt Phật sự của mình. Nếu không biết làm thị giả tốt thì làm sao có thể trờ thành vị Thầy tốt và nuôi dạy chúng tốt?
Mọi người tu, ai cũng nghĩ mình phải thấy (ngộ) được đạo, và nghĩ rằng đạo là cái gì cao siêu ở ngoài mình. Triệu Châu cũng có tâm niệm như chúng ta, khi được Ngài Nam Tuyền trả lời “tâm bình thường là đạo”, sư chưa đủ sức tin. Vậy, tâm bình thường là tâm nào? Tâm bình thường là tâm lặng lẽ sáng suốt, thấy biết rõ ràng, như mặt nước phẳng lặng không gợn sóng trong mọi việc đang xảy ra hiện tại. Ngài Sùng Tín hầu hạ luôn bên thầy 3 năm, một hôm sư thưa:
– Từ ngày con vào đây đến nay, chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu.
Đạo Ngộ bảo:
– Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi.
Sùng Tín hỏi:
– Thầy chỉ dạy ở chỗ nào?
Đạo Ngộ bảo:
– Ngươi dâng trà lên ta vì ngươi mà tiếp, ngươi bưng cơm đến ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?
Đó, Đạo ở đâu xa, Đạo bàng bạc quanh ta, Đạo ngay nơi ăn cơm, uống nước, từng việc làm hàng ngày của người thị giả. Tu không phải là đợi lên chánh điện tụng kinh, ngồi thiền, bái sám,… mới gọi là tu mà tu ở khắp nơi : ngoài sân, trong bếp, phòng khách, trai đường, trong mọi việc làm mà lặng lẽ chiếu soi, thân đâu tâm đó, chánh quán, không khởi vọng niệm, đó là tu, đó là động thiền.
Trong Tăng Già thời Đức Phật, chính cái phong thái đĩnh đạc, ung dung giải thoát của Đức Phật đã cảm hóa được năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển mặc dù ban đầu họ có thành kiến với Ngài và bàn bạc với nhau là không đón tiếp Ngài. Câu chuyên Ngài Xá Lợi Phất được cảm hóa theo Đạo Phật được ghi : “ Xá Lợi Phất bỗng nhìn thấy thầy A Thị Thuyết (Assaji, là một trong năm vị tì kheo đầu tiên xuất gia làm đệ tử Phật) trên một đường phố trong kinh thành Vương Xá …Dáng vẻ của thầy A Thị Thuyết trông trang nghiêm làm sao! Mỗi cử chỉ đi, đứng của vị tì kheo ấy đều tỏ rỏ oai ghi tế hạnh. Thoạt nhìn thấy, Xá Lợi Phất bỗng cảm thấy tâm hồn rúng động. Thật kinh ngạc, thật kì lạ, không thể tả được! Không dằn được thắc mắc Xá Lợi Phất liền bước đến trước mặt A Thị Thuyết, chào hỏi một cách cung kính”. Thế cho nên, Ngay nơi oai nghi cử chỉ lại có sức cảm hóa người khác mạnh hơn cả lời nói. Giáo hóa độ sanh trong Phật Giáo có 3 phương diện : Thân Giáo – Khẩu Giáo – Ý Giáo. Không phải Giảng sư chỉ dùng ngôn ngữ để thuyết pháp mà tất cả nụ cười, ánh mắt, ngón tay, dáng ngồi im lặng đều là những bài pháp không lời. Giảng sư không phải giống như một ca sỹ hoặc một nghệ sỹ cải lương đóng xong tấn tuồng vai trò mình trên sân khấu rồi cởi bỏ râu mũ muốn làm gì thì làm mà phải thể hiện đạo lý trong nếp sống hàng ngày của mình, tránh tình trạng “năng thuyết bất năng hành” (nói hay nhưng làm không hay) hoặc lý thuyết suông, sáo rỗng.
Không giữ đúng oai nghi sẽ mang đến những hậu quả xấu xa, tai hại. Trong “Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư” có dạy một người vào điện Phật lễ Phật mà để cây gậy dựa vào tường, chính cái sơ ý thất thố này mà khiến cho việc Lễ Phật đã không tăng thêm mà lại mất phước. Nếu chúng ta rửa khua chén bát vào ban đêm khiến cho ngạ quỷ đói khát rướn cổ và đứt cổ. Một việc mất oai nghi trong rửa chén lại đưa đến thương tổn và đau khổ như vậy. Nếu lên chánh điện mà đánh chuông đánh mõ không đúng nhịp thì có thể làm rối loạn và phiền não thời công phu. Nếu hô canh mà không đúng cách khiến đại chúng khó nhiếp niệm vào Thiền. Nếu trong phòng thi hay trong lớp học mà không biết im lặng trật tự thì khiến bao người xung quanh động niệm, không tập trung được và khó chịu. Xoa đầu vuốt ve trẻ vị thành niên khác giới có thể bị kiện ra tòa. Nếu đi với dáng vẻ lấc xấc, nếu vừa chống nạnh vừa nghe điện thoại, hút thuốc lá phì phèo tự do, nếu lái xe honda chạy quá nhanh bạt mạng thì khiến dân chúng coi thường tu sỹ. Nếu Ban Kinh Sư trong tiến linh hoặc Chẩn Tế Cô Hồn mà oai nghi không đúng sẽ phản tác dụng, phiền não và đọa lạc… Như vậy có thể nào khinh suất mà không học hỏi, thực tập và biểu hiện cho đúng khuôn phép hay sao?
Thân và Tâm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau : “Tướng tùy tâm sanh, tướng tùy tâm hiện”. Một con người lười biếng giãi đãi, hay bỡn cợt, không có ý thức cao, tinh chuyên tu tập thì làm sao có thể kiểm thúc được nơi thân? Trong Thiền Tứ Niệm Xứ có 4 yếu tố : Thân, Thọ, Tâm, Pháp, hay khi ngồi thiền có các giai đoạn : điều thân, điều tức, điều tâm. Hình có ngay thì bóng mới thẳng. Con mắt là cửa sổ của tâm hồn. Con người tham nhiễm sắc dục thì làm sao mà mắt không liếc ngó lơ láo quàng xiên được? Tu là cả quá trình tu sửa, trong đó có việc sửa thói hư tật xấu nơi Thân, Khẩu, Ý của mình, có cả tu tâm và tu tướng. Có được như vậy thì mới có thể hướng đến việc làm : “Thầy khắp cả Trời Người”, Sứ Giả Như Lai. Pháp Bảo Đàn Kinh ghi : vị Tăng Pháp Đạt ở Hồng Châu thường tụng kinh Pháp Hoa, đến lễ Lục tổ Huệ Năng mà đầu không sát đất. Tổ quở: “Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ. Trong tâm ông ắt có một vật, “chất chứa việc gì?” Pháp Đạt thưa: “Đã tụng được ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa.” Tổ bảo: “Ông nếu tụng đến muôn bộ, đạt được ý kinh mà chẳng lấy làm hơn thì cùng ta sánh vai. Nay ông mang sự nghiệp này trọn chẳng biết lỗi…” Tụng kinh nhiều mà thiếu tu tập thì biểu hiện ngạo mạn, thiếu đi 3 ngàn oai nghi, 8 muôn tế hạnh cũng chẳng ích gì!
Tăng đoàn xưa thời Đức Phật chỉ cần thứ lớp khất thực lặng lẽ cũng gieo trồng phước điền, gây tạo niềm tin và cảm hóa quần chúng. Ngày nay những tu sỹ giả và khất thực giả dễ bị phát hiện là do cách đi đứng, ánh mắt, lời nói của họ thô tháo làm sao họ có thể tái hiện lại bước chân của những “Tượng Vương” đĩnh đạc uy nghi? Nếu một người khéo biết quán sát thì chỉ cần nhìn cách xá chào, câu thưa hỏi, dáng đi, cách ngồi, cách rót trà cũng có thể biết đối tượng đó tu bao lâu, có “thấm mùi tương chao” (thiền vị) hay chưa?
Tăng đoàn đó là nếp sống của những người hòa hợp, tỉnh thức. Khách tham quan và thiện tín vào chùa có thể học hỏi rất nhiều điều từ sinh hoạt của người xuất gia chứ không phải là chỉ học được từ Pháp Thoại trên Pháp Tòa :người tu nấu ăn thế nào, hành đường ra sao, thọ trai cách gì, xỉa răng ra sao,…Tất cả đều được thể hiện sự vững chãi, thảnh thơi, đạo lực của người tu, chất liệu của giải thoát. Hình ảnh của Đức Phật ngồi trên tòa sen rất trang nghiêm, tôn quý, Ngài nhập niết bàn trong tư thế nằm tuyệt hảo. Như vậy người tu ngồi như Đức Phật ngồi trên tòa sen, đứng như cách Đức Phật A Di Đà sẵn sàng tiếp độ, đi như là đang thiền hành và nằm theo dáng Đức Phật nhập niết bàn, có vậy mới có thể tạo ra một hình ảnh siêu phàm thoát tục, biểu tượng quy ngưỡng cho hàng tại gia và thế nhân.
Nay trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhiều cuộc Tọa Đàm, Hội Thảo diễn ra liên quan đến các Ban Ngành : Pháp chế, Tăng Sự, Nghi Lễ, Văn Hóa, Hoằng Pháp, Giáo Dục Tăng Ni, …nhằm nâng cao phẩm chất người tu và phát triển Phật Giáo Việt Nam. Trong đó, những vấn đề như Pháp phục cho người tu sỹ, việc khất thực, thực hành nghi lễ, giới luật cho hàng tu sỹ và xử trị đang được cân nhắc nghiêm túc để áp dụng cho hàng xuất gia trong giai đoạn sắp đến. Nếu trên 15 000 ngôi chùa và 55000 tu sỹ mà tu đúng, sinh hoạt đúng thì Phật Giáo hưng thịnh và truyền bá đến khắp hang cùng ngõ hẻm cuộc sống, trong đó biểu hiện oai nghi đóng vai trò rất quan trọng trong biểu tượng Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo để mọi người quy hướng và tu tập trên lộ trình giải thoát.
Nay con được phước duyên làm người xuất gia vào phương trời cao rộng. Con đã có hình tưởng Tăng Bảo “đầu tròn, áo vuông” nhưng “chiếc áo không làm nên thầy tu” mà là tất cả phẩm hạnh biểu hiện nơi Thân Khẩu Ý mới quyết định là một người xứng danh Tỳ Kheo hay không? Con nguyện khép mình trong Pháp và Luật của Như Lai, cẩn thận dè dặt tu tập với oai nghi tế hạnh để không làm thất thố oai nghi, tổn giảm niềm tin của tín thí, và dần dần trở thành một bậc mô phạm xứng đáng. Con biết những tập khí xấu xa vẫn còn trong con rất nhiều trải qua nhiều đời kiếp nhưng sẽ miệt mài tu sửa. Thi tuyển vào Trung Cấp Giảng Sư cũng là cơ hội để giao tiếp, để học hỏi kinh nghiệm từ chư Tôn Đức và Thiện Tri Thức để hoàn thiện chính mình trước khi có thể hoằng Pháp độ sanh. Hoàn thiện để phục vụ, phục vụ để hoàn thiện, con biết rất khó trở thành một Thiền Môn Long Tượng nhưng đó là động lực là hướng tu tập. Thân người khó được, Phật Pháp khó gặp, hãy sử dụng trọng đời này, thân này trong việc tu tập và xiển dương Giáo Pháp. Nhân Giới Sinh Định, nhân Định Phát Tuệ, giới định tuệ là căn bản cho tu tập và hoằng pháp lợi sanh. Giới Luật còn là Phật Pháp còn. Con xin trau sửa theo Giới Pháp Như Lai để hạnh phúc, an lạc, thăng hoa, giải thoát, “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, thuyết Pháp Như Lai”
Source: NPD