Thầy Định Thành -《KIM CANG TÁT ĐỎA BÁCH TỰ CHÚ》
Description
Tư liệu trích lục: Định Thành Đạo Tràng.
LUẬN BÀN VỀ NGŨ GIÁO
GIÁO THỨ NHẤT: “Sư tử tuy là một pháp do nhân duyên sinh khởi, và đi qua sinh diệt trong từng phút giây, nhưng thật ra không có tướng sư tử có thể nắm bắt. Cái này là cái thấy của các vị thanh văn chưa hiểu được mặt thật của các pháp”.
Trong nguyên văn, chúng ta thấy có chữ ngu pháp thanh văn, nhưng ở đây chúng ta dịch rất khéo. Chữ ngu dịch là chưa hiểu được, rất là lễ phép. Ngu pháp là chưa hiểu được mặt thật của các pháp. Nói là có cũng không đúng mà nói là không cũng không đúng luôn. Sáu tông đầu đều chủ trương là các pháp do duyên sinh khởi và đi qua sinh diệt trong từng phút giây. Vì vậy cho nên không có tướng sư tử có thể nắm bắt.
GIÁO THỨ HAI: “Các pháp do duyên sinh mà có ấy đều không có tự tính, triệt để là không, đó là thỉ giáo Đại thừa (giáo lý Đại thừa lúc ban đầu)"
Tất cả các Thanh văn giáo đều chủ trương vô thường, luôn luôn biến chuyển. Đến Đại thừa thỉ giáo thì nói, vì các pháp là duyên sinh và vô thường nên nó không có tự tánh, chúng nó triệt để là “không”.
GIÁO THỨ BA: “Tuy các pháp triệt để là không, nhưng điều đó không làm trở ngại cho sự có mặt của các pháp như huyễn. Hai tướng duyên sinh và giả hữu vẫn có thể có mặt song hành với nhau. Cái đó là chung giáo Đại thừa (giáo lý Đại thừa lúc chung kết)”.
Hai chữ duyên sinh và giả hữu có thể đi đôi với nhau. Duyên sinh thì không có thật, nó giả hữu. Chúng ta không nắm bắt được nên gọi là giả hữu. Các pháp như sắc, thọ, tưởng, hành và thức là vô thường, là sát na sinh diệt, là nắm bắt không được, cho nên ta nói nó là không. Kỳ thực nó không phải là không đối với có. Tuy là không nắm bắt được nhưng ta thấy được, cảm nhận được nó. Tất cả vạn pháp đều là do điều kiện mà có và đều sinh diệt trong từng sát na. Vì duyên sinh và sát na sinh diệt nên mình có khuynh hướng cho nó là không có. Ta cũng có thể nói nó có nhưng có một cách giả (giả hữu) và nó vượt ra khỏi ý niệm không. Sử dụng ý niệm về giả hữu để đưa người ta thoát khỏi ý niệm không. Dù nói rằng “không” không phải là không đối với có, dù nói rằng “không” đó là chân không nhưng người ta vẫn bị kẹt vào như thường. Cho nên phải có phương tiện đưa ra để giúp họ thoát khỏi cái không và nói cho họ biết nó là “bất không”, “chân đức bất không”.
GIÁO THỨ TƯ: “Hai tướng duyên sinh và giả hữu ấy tương đoạt và tương vong (trừ khử và tiêu diệt nhau) làm cho cả tình thức và ngụy tướng không cái nào còn lại. Cả hai đều mất hết năng lực, cả không và hữu đều tiêu vong, con đường danh từ và ngôn thuyết bị cắt đứt, tâm không còn nơi nương tựa và nắm bắt. Đó là đốn giáo Đại thừa tức giáo lý Đại thừa đốn ngộ”.
Tưởng và tướng không có mặt độc lập với nhau mà đồng thời phát hiện một lần. Trong tưởng có tướng và trong tướng có tưởng. Khi vượt thoát sự phân biệt đó rồi thì tình thức tức là vọng tưởng của ta và đối tượng của vọng tưởng tức là ngụy tướng, cả hai đều không còn. Con đường danh từ và ngôn thuyết bị cắt đứt, tâm không còn nơi nương tựa và nắm bắt. Không nơi nương tựa là vô trú, không nắm bắt được là vô đắc. “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, con đường của ngôn ngữ bị cắt đứt, nói không được nữa và sự suy nghĩ, sự cố gắng lý luận của mình đều bị tắt nghẽn, không còn. Chỉ có trực giác do Niệm-Định-Tuệ đưa tới mới nắm được chân lý.
GIÁO THỨ NĂM: “Khi tình thức đã không còn và thể tính đã hiển lộ thì tất cả trở thành một khối hỗn độn bất phân. Đại dụng được trưng bày (với tất cả mọi chi tiết mầu nhiệm của nó) và nơi nào đại dụng được trưng bày như thế thì cái toàn chân cũng được hiển lộ. Muôn vàn hiện tượng được trình bày một cách giàu có, các hiện tượng tham dự vào nhau mà vẫn không đánh mất cá tính của chúng. Cái tất cả cũng là cái một (cái tất cả nằm trong cái một), cả hai đều vô tính. Cái một cũng là cái tất cả (cái một nằm trong cái tất cả), nhân quả hiển nhiên (rõ ràng). Lực và dụng của cái này và cái kia thu nhiếp nhau, và sự co duỗi của chúng xảy ra một cách tự tại. Cái đó gọi là viên giáo của nhất thừa (giáo lý tròn đầy của Phật thừa)”.
Tình thức ở đây là nhận thức vọng tưởng. Có cái tham, cái sợ, cái lo, tất cả thứ đó làm cho trí của ta bị lu mờ, nhận thức của ta đầy vọng tưởng. Khi tình thức không còn thì cố nhiên ngụy tướng cũng không còn. Khi nhận thức sai lầm không còn thì thực tại hiển lộ ra với tính cách hỗn độn bất phân, không thể chia chẻ, không thể phân biệt ra được giữa chủ thể và đối tượng.
Khi tình thức không còn tức là những nhận thức sai lầm, vọng tưởng không còn nữa, thì cái thể hiện ra không còn sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. Chúng ta thấy được chân tướng của nó là Tương tức: Cái một chứa đựng cái tất cả, trong cái này có tất cả cái khác. Và khi nói đến dụng thì hết sức mầu nhiệm, thấy được thể và tướng như vậy thì đại dụng được hiển bày. Rất là mầu nhiệm. Muốn có chân như thì có, muốn có Niết Bàn thì có, muốn có sinh tử cũng có, muốn có Tịnh Độ cũng có, có liền lập tức, bây giờ và ở đây. Đó là đại dụng được hiển bày. Chúng ta có tự do!
-trích "CON SƯ TỬ VÀNG CỦA THẦY PHÁP TẠNG", sáng tác Sư Ông LÀNG MAI-